Thứ ba, 14/1/2025
Thứ hai, 7/10/2024, 17:23 (GMT+7)

Hàng nghìn khí tài sắp trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam

Hà NộiDự kiến tháng 11, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ mở cửa, giới thiệu với công chúng hơn 150.000 hiện vật, trong đó có bốn bảo vật quốc gia.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nằm trên đại lộ Thăng Long, đoạn qua quận Nam Từ Liêm. Công trình được xây dựng từ năm 2019, hiện đã hoàn thành giai đoạn một.

Chính giữa quảng trường trước bảo tàng là tháp Chiến thắng cao 45 m, tượng trưng cho năm 1945 đất nước giành độc lập. Quảng trường có hai khu trưng bày ngoài trời rộng khoảng 20.000 m2, hai đài phun và hồ nước rộng 2.000 m2.

Bên trái quảng trường là khu trưng bày vũ khí, trang bị của quân đội nhân dân Việt Nam. Tiêu biểu trong số này là hai chiếc máy bay vận tải và chở khách; pháo 85 mm; pháo cao xạ 57 mm; xe tăng PT-76; tiêm kích MiG-17; tiêm kích bom Su-22.

Ở phía đối diện là không gian trưng bày vũ khí, trang bị quân đội Pháp và Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, gồm các loại pháo, xe chiến đấu bộ binh, xe tăng. Đặc biệt có pháo tự hành M107 cỡ nòng 175 mm được mệnh danh là "Vua chiến trường". Có kích thước lớn nhất trong số này là máy bay vận tải quân sự C-130 với biệt danh "ngựa thồ" của quân đội Mỹ.

Tòa nhà chính của bảo tàng rộng hơn 23.000 m2, nổi bật ở lối vào là chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324 có biệt danh "Én bạc", được treo trên các sợi cáp, tạo cảm giác như đang xuất kích chiến đấu.

Trong kháng chiến chống Mỹ, chiến đấu cơ này được 9 phi công điều khiển. Thân máy bay in hình 14 ngôi sao màu đỏ, tượng trưng cho 14 máy bay địch bị bắn hạ. "Én bạc" được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia đầu năm 2015.

Không gian trưng bày bên trong bảo tàng tại tầng một được chia làm 6 chủ đề, sắp xếp theo thứ tự thời gian. Chủ đề đầu tiên là buổi đầu dựng nước và giữ nước, tiếp đến là bảo vệ nền độc lập và chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc 1858-1945.

Ba chủ đề còn lại là kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954; kháng chiến chống Mỹ 1954-1975 và cuối cùng là xây dựng và bảo vệ đất nước từ 1976 đến nay.

Ảnh trên là hệ thống sa bàn kết hợp chiếu phim mô phỏng về thành Cổ Loa, kinh đô nhà nước Âu Lạc, thời An Dương Vương, khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

Trong kháng chiến chống Mỹ, chiếc T-54B mang số hiệu 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 30/4/1975, xe tăng này đã dẫn đầu đội hình vào Sài Gòn, trên đường đến dinh Độc Lập đã bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch. Lúc 11h, xe tăng 843 húc vào cổng phụ của dinh Độc Lập, bị chết máy. Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843, đã cắm lá cờ lên nóc dinh Độc Lập.

Bảo vật quốc gia máy bay MiG-21 số hiệu 5121 được trưng bày tại tầng một. Nó đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân và dân tháng 12/1972. Trung tướng, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân từng điều khiển chiếc MiG-21 này bắn hạ máy bay B-52 vào đêm 27/12/1972. Cùng điều khiển chiếc MiG-21 này còn có phi công Đinh Tôn và Vũ Đình Rạng, bắn hạ tổng cộng 5 máy bay Mỹ.

Lựu pháo M101 cỡ nòng 105 mm, số hiệu 14683 do Mỹ viện trợ cho Pháp. Vũ khí này bị Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 thu được trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Sau đó, Đại đội 806, Trung đoàn 45 sử dụng bắn vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3/1954.

Khu vực trưng bày hiện vật về chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó có nhiều loại súng trường, súng lục, máy đánh chữ, cuốc xẻng. Ngoài ra, nhiều tài liệu quý, tranh cổ động, cờ quyết chiến quyết thắng cũng được trưng bày tại khu vực này.

Hai khẩu súng thần công thế kỷ 19 nằm trong hệ thống trưng bày chủ đề chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc 1858-1945.

Bảo tàng cũng ứng dụng nhiều công nghệ để đa dạng loại hình thể hiện thông tin. Khách tham quan đọc thêm về hiện vật từ chú thích hoặc tương tác trên màn hình cảm ứng để tra cứu. Ngoài ra, người dân có thể sử dụng dịch vụ thuyết minh tự động audioguide. Đây là những tai nghe được lắp hệ thống định vị, khi đứng tại vị trí của hiện vật nào, tai nghe sẽ phát thông tin về hiện vật đó.

Ảnh trên là sa bàn 3D kết hợp thuyết minh bằng phim, âm thanh và ánh sáng về chiến dịch Điện Biên Phủ. Người dân sẽ được chứng kiến các loại máy bay Pháp thả dù trên bầu trời Điện Biên cũng như diễn biến trận pháo kích của quân đội hai bên.

Dự kiến tháng 11-12/2024 khi vừa đi vào hoạt động, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ mở cửa miễn phí. Tuy nhiên, người dân cần liên hệ đặt trước với bảo tàng để được sắp xếp lịch tham quan.

Giang Huy - Sơn Hà