Thứ năm, 19/12/2024
Thứ năm, 5/1/2023, 00:00 (GMT+7)

Hàng nghìn hộ dân ở di tích kinh thành Huế sắp di dời

Thừa Thiên - HuếSau mấy chục năm sống trong các di tích như hồ Tịnh Tâm, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài..., hàng nghìn hộ dân đang chờ ngày di dời, trả lại mặt bằng.

Sau năm 1975, hàng nghìn hộ dân đã vào sinh sống trong khu vực I di tích Huế, thuộc kinh thành Huế và phụ cận. Theo quy định, khu vực I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Vì thế, người dân không thể xây dựng nhà trong di tích, cuộc sống đành tạm bợ.

Trước thực trạng trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên kế hoạch di dời với hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó gần 2.800 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, gần 1.400 tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu khu tái định cư rộng 73 hecta tại phường Hương Sơ, phường An Hòa.

Từ năm 2019 đến nay, chính quyền đã thực hiện giai đoạn 1 di dời gần 2.000 hộ dân sống trên di tích Thượng Thành và Eo Bầu, phường Thuận Hòa, Thuận Lộc và Đông Ba, tái định cư tại khu dân cư Hương Sơ. Hiện TP Huế thực hiện giai đoạn 2 (2022-2025) di dời người dân sống trong khực đàn Xã Tắc, hồ Tịnh Tâm, Khâm Thiên Giám, Hộ thành hào... Ảnh trên là một góc kinh thành Huế nhìn từ hướng di tích Quan Tượng Đài.

Đàn Xã Tắc (ô vuông màu xanh) ở phường Thuận Hòa bị bao quanh bởi hàng trăm căn nhà.

Theo sử sách, đàn Xã Tắc được xây tháng 4/1806 dưới thời vua Gia Long để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc). Lúc xây đàn, triều đình nhà Nguyễn huy động cả nước cống nạp đất sạch để đắp. Xung quanh đàn tế được trồng cây mù u.

Đàn Xã Tắc hiện có hơn 1.000 hộ dân sinh sống. Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đang kiểm kê để di dời người dân và thu hồi đất với kinh phí 213 tỷ đồng.

Khu vực Hộ thành hào trước cửa tây - nam (cửa hữu) kinh thành Huế với nhiều nhà dân xâm lấn. Do nhiều yếu tố lịch sử để lại, nhiều ngôi nhà nằm trong di tích được xây dựng khá kiên cố.

Hộ thành hào là hào nước bao bọc quanh kinh thành Huế, được triều Nguyễn xây dựng cùng thời điểm với kinh thành, từ năm 1802 đến 1832. Đây là một phần trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993.

Theo kế hoạch, hơn 1.700 hộ dân sống ở khu vực Hộ thành hào và tuyến phòng lộ sẽ được di dời với tổng kinh phí 455 tỷ đồng.

Hàng chục năm qua, môi trường cảnh quan ở xung quanh Hộ thành hào nhếch nhác bởi người dân xả rác thải sinh hoạt, dòng chảy không lưu thông. Nhiều nhà người dân xây dựng trên khu vực tường thành, lấn chiếm lòng hộ thành hào.

Cổng vào di tích Khâm Thiên Giám nằm trên đường Hàn Thuyên, phường Đông Ba.

Khâm Thiên Giám là cơ quan khí tượng để xem thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch do vua Gia Long lập nên. Ngày giờ diễn ra các lễ quan trọng của triều Nguyễn xưa đều được cơ quan này tư vấn như ngày giờ lễ Tế Giao, lễ Đăng cơ của vua, lễ công bố bảng vàng khoa cử... Năm 1826, thời vua Minh Mạng, trụ sở chính của Khâm Thiên Giám được xây dựng nằm trong kinh thành Huế ở trên đường Hàn Thuyên ngày nay.

Ông Hà Thúc Quang, 61 tuổi, cùng gia đình sống trong Khâm Thiên Giám hơn 30 năm. 15h hàng ngày, ông thường phụ vợ đẩy gánh hàng bánh canh ra vỉa hè đường Hàn Thuyên. "Gia đình tôi cũng đã nhận giấy mời để làm thủ tục đền bù và chuẩn bị di dời. Tôi và các gia đình ở đây chỉ mong sớm được trả đất cho di tích, dù nơi đây gắn bó với gia đình tôi nhiều kỷ niệm", ông Quang chia sẻ.

Ông Phạm Văn Lành, 71 tuổi, cùng gia đình đã sống ở trong di tích Khâm Thiên Giám gần 40 năm. Hàng ngày, ông thường mang bàn ghế nhựa ra trước khoảnh sân trước gian nhà chính Khâm Thiên Giám ngồi uống trà, đọc báo.

"Gia đình tôi đã được kiểm kê và làm thủ tục để di dời. Bây giờ, tôi chỉ chờ ngày nhận đất ở và trả lại đất cho di tích", ông Lành nói.

Một số án thờ nằm ngổn ngang trong di tích Khâm Thiên Giám.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế xác định việc di dời người dân trong di tích là mục tiêu quan trọng, nằm trong lộ trình đưa địa phương lên thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường.

Trên tường gạch trong gian nhà chính di tích Khâm Thiên Giám vẫn còn hình vẽ về cách xem sao, xem thời tiết của triều Nguyễn. Tuy nhiên, ở gian nhà chính, cấu kiện gỗ đã mục, mái ngói dột nát, nguy cơ đổ sập.

Anh Tống Văn Khải, 53 tuổi, đang sống với mẹ già ở ngay trong gian nhà chính Khâm Thiên Giám. Anh Khải là thế hệ thứ ba trong gia đình sống trong di tích này. "Mái nhà dột nát, hai mẹ con tạm ở trong gian nhà cạnh bên. Mong ước của gia đình là sớm được di dời và trả lại mặt bằng cho nhà nước quản lý", anh Khải nói.

Nằm ở phường Thuận Lộc, hồ Tịnh Tâm và hồ Học Hải là hai hồ sinh thái nằm trong kinh thành Huế. Dưới thời vua Thiệu Trị, hồ Tịnh Tâm được xem là một trong 20 cảnh đẹp của Huế.

Hàng chục năm qua, khu vực xung quanh hồ Tịnh Tâm bị lấn chiếm, diện tích hồ bị thu hẹp. Theo kế hoạch, 210 hộ dân sinh sống ven hồ Tịnh Tâm sẽ di dời với tổng kinh phí dự kiến 80 tỷ đồng.

Người dân sống quanh khu vực hồ Học Hải ở phường Thuận Lộc đã được kiểm kê, kê khai nguồn gốc đất sử dụng.

Di tích Trấn Bình Đài, còn gọi là đồn Mang Cá, được xây dựng ở góc đông bắc kinh thành Huế năm 1804 với một vòng thành đắp bằng đất. Đến năm 1836, vua Minh Mạng xây lại bằng gạch. Hàng chục năm qua, khu vực này có hàng trăm hộ dân sinh sống và là nơi đặt trụ sở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo kế hoạch, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế sẽ di dời 165 hộ trong khu vực Trấn Bình Đài với kinh phí 52 tỷ đồng. Khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có 198 hộ dân di dời, kinh phí 139 tỷ đồng.

Dự kiến, các hộ dân sống trong khu vực I di tích Huế di dời giai đoạn 2 này sẽ được bố trí đất định cư tại khu quy hoạch Hương Sơ. Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư này đang được triển khai.

Võ Thạnh