Thứ sáu, 13/12/2024
Thứ hai, 29/7/2024, 03:00 (GMT+7)

Hàng nghìn hộ dân ngoại thành Hà Nội sống chung với lũ

Người dân ở huyện Chương Mỹ, Quốc Oai - ngoại thành Hà Nội, phải ăn ngủ, đi lại cùng dòng nước lũ trong 4 ngày qua.

Từ ngày 24/7, một số khu vực của huyện Chương Mỹ bắt đầu bị nước sông Bùi tràn vào. Một ngày sau, 11 xã, thị trấn của huyện bị ngập. Trong ảnh, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, bị nước bủa vây, có vị trí giữa làng sâu hơn 2 m.

Con đường chính dẫn vào thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến ngập hơn một mét. Hàng ngày, chính quyền huy động xe chuyên dụng để chở người dân ra ngoài đi làm, đi chợ.

Anh Duy Phước thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến cùng con gái đi thuyền vào nhà lấy thêm đồ sinh hoạt. "Nhà tôi có 8 người, nước lên cao sát tới nóc nên mọi người chạy hết sang nhà họ hàng, hàng xóm ở nhờ. Trong thôn đa số bà con di tản hết rồi, đồ đạc cái gì mang đi được thì mang, còn không thì cho lên cao để tạm chờ nước rút", anh Phước chia sẻ.

Vợ chồng chị Lê Thị Thành, anh Phạm Văn Đinh ở thôn Nhân Lý vừa nhận được thùng mì tôm do xã hỗ trợ. Nhà tôi cấp 4, khi nước lên cao 1,8 m là anh chị kê hết đồ, giường lên cao, buộc lên mái nhà để vợ chồng ăn uống, sinh hoạt.

"Điện bị cắt nên tôi dùng bình ắc quy để sử dụng các thiết bị cơ bản. Thỉnh thoảng tôi chèo thuyền ra ngoài mua đồ, qua nhà hàng xóm nói chuyện cho đỡ buồn", anh Đinh chia sẻ.

Người dân tiếp tục di chuyển đồ đạc lên vị trí cao hơn, đề phòng đợt lũ sắp tới.

Nhà ngập, trường mẫu giáo đóng cửa, các em bé thôn Nam Hài chơi đùa bằng thuyền tự chế trước cửa nhà mình, có sự giám sát của người lớn.

Video ghép bài ảnh ngập ngoại thành Hà Nội.
 
 

Huyện Chương Mỹ, Quốc Oai địa hình thấp, nằm trong vùng phân lũ của Hà Nội. Thời gian qua, địa bàn mưa lớn, kết hợp lũ từ thượng nguồn sông Bùi (tỉnh Hòa Bình) đổ về khiến nước dâng cao. Video: Giang Huy

Ông Nguyễn Văn Tho chèo thuyền từ thôn Đồng Rạch ra điểm lấy nước cách nhà hơn một km. Ông mang theo 10 bình loại 20 lít để lấy nước phục vụ sinh hoạt cho gia đình 5 người.

"Chỗ tôi ngập hơn 2 m, hôm qua lấy 4 bình nhưng không đủ dùng nên nay phải lấy thêm", ông Tho nói, xòa đôi bàn tay nhăn nheo vì ngâm nước.

Anh Văn Phượng thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến đang đi gạt rác xung quanh nhà mình. "Nhà trước thì ngập tới nóc, nhà sau thì ngấp hết tầng 1, cả nhà dọn hết lên tầng 2 để ở. Điện, nước đều bị cắt, muốn tắm rửa với vệ sinh là cả nhà phải đi nhờ nhà hàng xóm. Mong sao trời không mưa nữa để gia đình quay lại cuộc sống bình thường", anh Phượng nói.

Ngoài Nam Phương Tiến, ngập lụt tại huyện Chương Mỹ đang diễn biến phức tạp với 11 xã, 27 thôn, xóm bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 1.300 nhà dân bị ngập 0,5-2 m, hơn 1.100 hộ khác bị ngập lối đi. Hệ thống giao thông và thủy lợi cũng bị tàn phá nặng nề với 5,5 km đê bị ngập, 37 m bị sạt lở và hơn 160.000 m đường giao thông nông thôn, nội đồng bị ngập.

Tỉnh lộ 421B nối huyện Chương Mỹ với Quốc Oai có đoạn ngập hơn một mét, chính quyền lập biển thông báo và chốt chặn ở hai đầu cầu để hướng dẫn phương tiện.

Theo thống kê đến ngày 28/7, Chương Mỹ ghi nhận hơn 1.600 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, hơn 1.100 ha thủy sản bị cuốn trôi. Gần 1.900 gia súc, hơn 180.000 gia cầm bị ảnh hưởng.

Tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, một khu dân cư bị cô lập. Đến chiều 28/7, toàn huyện ghi nhận hơn 630 ha, chủ yếu là đồng ruộng bị ngập.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định trong ba ngày tới, miền Bắc sẽ bước vào đợt mưa lớn. Trọng tâm mưa là trung du và vùng núi phía Bắc với lượng 70-200 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm. Đồng bằng mưa ít hơn, phổ biến 50-150 mm, có nơi trên 200 mm. Mưa lớn sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt ở vùng trũng thấp và nguy cơ sạt lở, lũ quét ở vùng cao.

Giang Huy - Gia Chính