Ảnh hưởng của dải hội tụ và nhiễu động gió đông trên cao, từ ngày 8/9 đến nay, nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung mưa to. Tại Ninh Bình, lượng mưa đo được tại Kim Sơn là 405 mm, Nho Quan là 280 mm, Hưng Thị 250 mm, Bến Đế 235 mm, Gián Khẩu 215 mm... Lũ trên sông Bôi và Hoàng Long dâng cao, gây ngập lụt cục bộ tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, nhiều tuyến đường bị chia cắt.
Ông Nguyễn Cao Các, Phó chủ tịch huyện Nho Quan, cho biết toàn huyện có khoảng 530 hộ dân, gần 170 ha lúa và hoa màu bị ngập, tập trung tại các xã Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Tường, Gia Thủy, Gia Lâm, Đức Long... Huyện đang tổ chức tuần tra, canh gác 24/24h tại những khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, chuẩn bị phương án sơ tán dân đến nơi an toàn khi cần thiết.
Tại huyện Gia Viễn, khoảng 650 hộ dân với hơn 2.400 nhân khẩu thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh sống bên sông Hoàng Long đang bị ngập, vị trí sâu nhất khoảng một mét. Tuyến đường vào thôn đang bị chia cắt do lũ.
Ông Trần Văn Động ở thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, cho hay các hộ dân vùng này sống bên mép sông Hoàng Long từ xưa nên cứ mưa lớn, nước lũ đổ về là ngập đường, nước tràn vào nhà. "Đợt này mưa lớn, nước lũ dâng nhanh nên suốt đêm qua gia đình phải thức trắng vận chuyển đồ đạc lên cao", ông Động nói.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đang yêu cầu các địa phương huy động vật tư, nhân lực giúp người dân vùng lũ sơ tán tài sản đến nơi an toàn đồng thời lên phương án kiểm tra, bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập nhất là các điểm xung yếu, công trình đang thi công dở dang...
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, đến trưa 10/9, mưa lớn đã khiến hơn 440 ha lúa, hơn 180 hoa màu bị ngập, gãy đổ và một số diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ... Thị xã Nghi Sơn bị ảnh hưởng nặng nhất với hơn 350 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các huyện Như Xuân, Nông Cống, Quảng Xương... cũng ghi nhận thiệt hại, chủ yếu là lúa và hoa màu ở vùng trũng thấp.
Tại huyện Nông Cống, khoảng 10h ngày 9/9, anh Nguyễn Văn Đạt, 37 tuổi, ở xã Tượng Sơn, cùng một người bạn đi đánh bắt cá trên hồ Đầm Húng. Do nước lớn, anh Đạt chới với rồi bị nước cuốn. Sau hơn 4 giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân gần hiện trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với chính quyền các huyện thị đôn đốc người dân thu hoạch nhanh các loại cây trồng, nhất là lúa ngô đã chín với phương châm xanh nhà hơn già đồng. Với diện tích lúa còn xanh, lực lượng chức năng đang tổ chức tiêu úng, khơi thông dòng chảy nhằm hạn chế thiệt hại.
Ngày 7-10/9, nhiều khu vực tại Nghệ An cũng mưa to. Trong đó Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa đo được 375 mm, huyện Quỳ Châu 252 mm, Quỳ Hợp 246 mm, Nam Đàn 225 mm. Mưa lũ khiến em Nguyễn Xuân An, 13 tuổi, trú xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, đi chăn bò đã bị nước cuốn mất tích trên sông Giăng, chiều 8/9. Hiện lực lượng cứu hộ tập trung tìm kiếm nạn nhân.
Tại huyện Nghĩa Đàn, 46 nhà dân bị nước tràn vào nhà, song tới nay đã rút hết. 11 nhà tại các huyện Tương Dương, Con Cuông và Kỳ Sơn bị hư hỏng.
Đặc biệt, tại bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, hôm nay xuất hiện một vết nứt dài hơn 600 m ở chân núi, nơi có 52 hộ dân tộc Khơ Mú sinh sống. "Chính quyền đang cử người túc trực, nếu mưa lớn sẽ di dời dân tới trường học, đề phòng sạt lở", ông Cụt Văn Thắng, Phó chủ tịch xã Bảo Nam, nói.
Đợt mưa ba ngày qua đã làm hơn 700 ha lúa hoa màu, cây lâu năm ở các huyện, thị bị thiệt hại, hơn 1.700 con gia cầm bị chết, một số diện tích nuôi trồng thủy sản bị nước ngập. Nước lũ cũng làm ngập một số cầu tràn trên quốc lộ, tỉnh lộ, liên thôn bản ở huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu...
Mưa to ngày 8-9/9 cũng khiến 700 ha lúa và hoa màu ở Hòa Bình bị ngập. Anh Nguyễn Xuân Giang, 37 tuổi, bị nước cuốn mất tích, hiện chưa tìm thấy thi thể. Một số tuyến đường liên xã thuộc các huyện Lương Sơn, Đà Bắc bị sạt lở.
Hà Nội mưa lớn ngày 8/9, kết hợp với lũ sông Bùi từ Hòa Bình đổ về khiến hơn 300 hộ dân ở Chương Mỹ bị ngập, tập trung ở các xã Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hữu Văn, Thủy Xuân Tiên và thị trấn Xuân Mai. Đến chiều nay, lũ đang rút dần.
Hà Nội ghi nhận hai vị trí sạt mái đê tả Đáy ở huyện Ứng Hòa gồm: Sạt mái thượng lưu đê tả Đáy từ dài 20 m, sâu 0,7 m ở Sơn Công, và sạt mái thượng lưu đê tả Đáy dài 45 m, sạt sâu 1,6 m ở xã Viên Nội. Chính quyền đã khoanh vùng cắm biển cảnh báo sạt lở, theo dõi sự cố và sẵn sàng vật tư, phương tiện hộ đê.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hôm nay miền Bắc giảm mưa, miền Trung tiếp tục. Lũ một số sông suối ở miền Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An có thể lên. Đỉnh lũ các sông suối nhỏ ở Ninh Bình, Hà Nam lên báo động 2; các sông nhỏ ở tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa và Nghệ An lên báo động 1 (cao và nguy hiểm nhất là báo động 3).