Chủ nhật, 10/11/2024
Thứ ba, 12/9/2023, 15:10 (GMT+7)

Hàng nghìn cổ vật ở di chỉ Vòng thành đá trắng

Bà Rịa - Vũng TàuCác nhà khảo cổ học tìm thấy hàng nghìn cổ vật thời tiền sử đến Chân Lạp, Chăm Pa tại thành cổ duy nhất hiện hữu ở vùng Nam bộ.

Khu vực khai quật Vòng thành đá trắng ở ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc nhìn từ trên cao.

Di chỉ là một công trình kiến trúc dạng thành lũy quy mô lớn, xây dựng bằng đá ong, mỗi cạnh 200 m, được bao bọc bởi vòng hào rộng khoảng 10 ha. Năm 2021-2022, Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) và Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành đào 24 hố khai quật và hàng loạt hố thăm dò trên diện tích hơn 3.000 m2.

Cán bộ khai quật đo đạc một đoạn tường thành bằng đá ong.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trên không gian này có nhiều giai đoạn cư trú được thể hiện qua những vết tích thời tiền sử (khoảng 2.500-2.000 năm trước), thời Chân Lạp (thế kỷ VIII-X) và thời kỳ thành đá ong được xây dựng (thế kỷ XV-XVI).

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh, người điều phối hoạt động khai quật, nhận định các dấu hiệu cho thấy thành cổ này có sự gián đoạn sử dụng dẫn đến xuống cấp trên diện rộng, sau đó cư dân quay trở lại tái cấu trúc và sử dụng đến khi kết thúc.

Các hố dựng cột phát lộ ở hố khai quật, khả năng là những công trình xây dựng bằng gỗ. Hiện trường khai quật cũng cho thấy những giếng đào, bếp, hố rác...

Một hố rác bên trong di chỉ.

Các nhà khảo cổ tìm thấy 84 hiện vật bằng đá, 92 đồ kim loại, 1.216 hiện vật đất nung và hơn 200.000 mảnh vỡ thuộc các lớp tích tụ văn hóa khác nhau.

Cán bộ Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) chỉnh lý hiện vật là các bình gốm Gò Sành - Chăm Pa.

Vòng trang sức đá, chuỗi hạt đá và thủy tinh được tìm thấy.

Lớp văn hóa tiền sử có các vật dụng sinh hoạt như nồi, vò bằng đất nung, công cụ và vòng trang sức bằng đá phiến hạt mịn mang đặc trưng của vùng cận biển miền Đông Nam bộ cũng như vùng hải đảo Đông Nam Á, thuộc giai đoạn hậu kỳ Kim khí.

Chì lưới, vòi bình, ngói thuộc lớp văn hóa thế kỷ VIII-X được tìm thấy ở trung tâm vòng tường thành.

Các hiện vật gốm thời kỳ Chăm Pa (thế kỷ XV-XVI) được tìm thấy.

91% hiện vật tại di chỉ Vòng thành đá trắng có nguồn gốc từ gốm Chăm Pa, tiếp đến là gốm Trung Hoa, một ít đồ gốm Đại Việt và Thái Lan.

Một bình gốm Gò Sành - Chăm Pa trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đồ gốm thời Minh (Trung Quốc) được tráng lớp men màu xanh lá cây hay ngọc bích. Một số tiêu bản tô sứ giữa lòng đáy khắc hình chìm hoa hoặc in nổi hình con cá dưới men cầu kỳ.

Bát bằng gốm Chăm Pa còn khá nguyên vẹn.

PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam, cho rằng thành lũy ở khu vực Nam bộ thường được biết đến có niên đại muộn, từ khoảng thế kỷ XIX-XX. Vòng thành đá trắng là thành rất sớm, có những nét quan hệ gần gũi, phản ánh nhiều đặc trưng của Chăm Pa.

"Nhiều dấu tích cư dân các lớp thời kỳ khác nhau phản ánh lịch sử chưa biết đến của vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng Nam bộ trong quãng thời gian tương đối liên tục từ trước công nguyên đến XVII", ông Tín nói.

Theo Chủ tịch Hội khảo cổ học, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần bảo vệ nguyên vẹn di chỉ Vòng thành đá trắng, những di vật không bị hủy hoại và cần có chương trình nghiên cứu tổng hợp trước khi đề xuất được công nhận di tích.

Trường Hà