Một xu hướng thịnh hành trong ngành công nghiệp ôtô hiện nay là để các doanh nghiệp mới như Fisker bàn giao công đoạn phức tạp và đòi hỏi vốn lớn trong việc thiết kế và chế tạo ôtô cho một nhà sản xuất theo hợp đồng. Giờ đây, ôtô ngày càng được đánh giá dựa trên phần mềm và điện tử của chúng, vậy thì sao phải bận tâm tới việc tốn thời gian và tiền của vào việc gia công kim loại?
Nếu Apple quả thực đang nghiêm túc cân nhắc việc ra mắt chiếc ôtô của riêng mình, như báo chí đưa tin, thì hãng hầu như chắc chắn sẽ quyết định thuê ngoài, nhưng thuê Foxconn lắp ráp các linh kiện thành một chiếc điện thoại hoàn chỉnh.
Có ít nhất một hãng sản xuất theo hợp đồng sẵn sàng tận dụng những thay đổi trong ngành công nghiệp có quy mô khổng lồ này, đó là Magna International của Canada.
"Nếu Apple nghiêm túc với xe hơi thì Magna International nên chế tạo nó", nhà phân tích Chris McNally của Evercore ISI nói. Ngay cả khi Apple không tới gõ cửa, thì hãng này cũng đang tư vấn cho các nhóm công nghệ và start-up tìm cách gia nhập vào ngành kinh doanh ôtô, và các nhà đầu tư đã để tâm vào lĩnh vực này. Giá cổ phiếu của Magna gần như nhân lên gấp ba lần kể từ tháng 3, mang lại cho hãng 21 tỷ USD theo giá thị trường.
Magna là một trong những hãng cung ứng linh kiện ôtô lớn nhất thế giới, đóng góp gần 40 tỷ USD doanh thu năm 2019 từ các sản phẩm như hộp số, camera ôtô, gương và ghế. Công ty con chế tạo theo hợp đồng của hãng này, Magna Steyr, là một đơn vị thú vị. Hãng này chế tạo những chiếc xe hạng sang nhắm vào thị trường ngách tại nhà máy ở Graz, Áo, bao gồm Mercedes G-Class 4x4, ôtô điện Jaguar I-Pace và xe thể thao BMW Z4. Thông thường những công ty này chọn cách thuê ngoài việc chế tạo, thay vì trang bị lại hoặc chế tạo hẳn một dòng sản phẩm mới, bởi doanh số các mẫu này tương đối ít.
Năm 2019 Magna đã lắp ráp gần 160.000 xe – hơn nhiều hãng chế tạo ôtô – và tạo ra doanh thu 6,7 tỷ USD từ những hoạt động này. Cùng với đối tác liên doanh BAIC, gần đây hãng này bổ sung thêm một nhà máy ở Trung Quốc, có khả năng sản xuất 180.000 ôtô hàng năm. Tiếp theo có thể là một phân xưởng ở Bắc Mỹ.
Danh sách khách hàng của Magna đã mở rộng ra cả những nhà sản xuất ôtô truyền thống. Liên doanh ôtô được đặt theo tên Henrik Fisker, là một ví dụ, đã phát hành cổ phiếu vào tháng 10 sau khi sáp nhập với một công ty được thành lập với mục đích thâu tóm. Mối hợp tác chế tạo và thiết kế ôtô với Magna là chìa khoá cho hướng tiếp cận tinh gọn cơ sở hạ tầng của Fisker. Những hãng đi sau thường so sánh điều này với mối quan hệ giữa Apple-Foxconn và hi vọng rằng điều này sẽ tránh được ác mộng sản xuất đã làm Tesla điêu đứng.
Công ty con của Magna ở Áo đang đàm phán về việc sản xuất ôtô cho Canoo, một hãng start-up ôtô khác, trong khi ở Trung Quốc hãng này đã bắt đầu sản xuất mẫu Arcfox, nhánh xe thể thao điện của BAIC. Các dự án khác bao gồm hỗ trợ công ty con Waymo của Alphabet tích hợp công nghệ tự lái vào xe hơi và làm việc với tập đoàn Sony nhằm chế tạo xe hơi nguyên mẫu Vision S tương lai.
"Chẳng có gì là bí mật vì hầu như mọi công ty không phải là nhà sản xuất thiết bị gốc quan tâm đến việc thực hiện mẫu ôtô hoàn chỉnh của riêng mình đều đang liên hệ với chúng tôi", Frank Klein, giám đốc điều hành của Magna Steyr, nói với các nhà đầu tư năm ngoái.
Bạn có thể thấy tại sao các doanh nghiệp mới có thể chọn làm việc với một bên trung lập như Magna thay vì hợp tác và chia sẻ kế hoạch với một nhà sản xuất ôtô sẵn có bởi đó có thể là một đối thủ tiềm năng. Cùng với việc cung cấp năng lực sản xuất, Magna nói hãng có thể xử lý toàn bộ quá trình phát triển ôtô. Công ty này được thuê để biến mẫu xe Grenadier 4x4 của tỷ phú hoá chất Jim Ratcliffe thành hiện thực.
Những ôtô Magna chế tạo trong nhà máy của hãng thường bao gồm nhiều bộ phận và hệ thống của chính hãng này hơn so với trường hợp những ôtô hãng không làm. Magna có thể cũng thu được lợi ích tài chính trong những công ty mà hãng này làm việc cùng. Nếu đúng như dự kiến, Magna có thể sở hữu 6% cổ phiếu Fisker. Năm ngoái, hãng này đã đầu tư 100 triệu USD vào Waymoo.
Đây là những mồi nhử ngon ngọt bởi kinh tế của các hãng sản xuất hợp đồng đều khá khó khăn. Năm ngoái, công ty con chế tạo ôtô này đem lại 2% lợi nhuận từ doanh thu – thấp hơn nhiều so với mức trung bình của những bộ phận kinh doanh khác của Magna.
Và cũng có các rủi ro trong việc gia tăng năng lực sản xuất cho các công ty start-up, bởi những công ty này có thể thất bại hoặc quyết định tự thuê ngoài các công đoạn chế tạo. Nếu Apple trở thành khách hàng của Magna, hãng này sẽ cò kè mặc cả tương tự như đã làm với Foxconn, hãng có lãi suất kinh doanh đã giảm xuống 2%. Lãi suất kinh doanh của Apple là 24%.
Tuy nhiên, cổ phiếu của Magna có vẻ ít bị định giá quá cao so với nhiều công ty nhúng chân vào ôtô điện tương lai. Ngay cả sau đợt sụt giảm mạnh gần đây, cổ phiếu của hãng này có giá ít hơn 12 lần lợi nhuận dự kiến. Hãng sản xuất Canada có sức thu hút riêng của mình ngay cả khi không có đơn đặt hàng từ Tim Cook.
Mai Huyền (theo Bloomberg)