Anh Thành ở Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) kể, cuối tuần trước, hai vợ chồng tranh thủ đi sắm áo ấm vì nghe tin có không khí lạnh tăng cường. Mất gần 30 phút tìm tìm bới bới trên đống quần áo ngồn ngộn, anh mới chọn được chiếc áo gió màu xanh nước biển, giá 150.000 đồng. Nhưng khi lôi được lên thì thấy áo… cụt mất một tay. Gọi nhân viên bán hàng để hỏi, anh nhận được câu trả lời ngắn gọn: ''Hỏng thì anh chọn cái khác đi, hàng thanh lý, xả hàng thì hay bị lỗi lắm''.
|
Mua quần áo Việt Nam xuất khẩu kiểu xả hàng, đổ đống coi chừng chất lượng kém. Ảnh: Tuệ Minh |
Anh Thành chia sẻ mua hàng xuất khẩu kiểu thanh lý, thấy ai cũng hào hứng vì giá rẻ, nhiều hàng nhưng lại rất ít người quan tâm đến chất lượng. Theo anh, cũng có những sản phẩm lỗi, nên nếu người mua không kiểm tra kỹ thì không thể biết được.
Chị Thanh ở Nghĩa Tân (Hà Nội) hào hứng khoe chiếc áo khoác mới mua tại một shop Việt Nam xuất khẩu xả hàng trên đường Chùa Bộc với giá chỉ 150.000 đồng. Theo chị, nếu bình thường áo này bán trong shop Made in Vietnam thì không thể có giá đó, rẻ nhất cũng phải xấp xỉ 300.000 đồng một cái. "Em mình mới mua một cái giống hệt tại shop Made in Vietnam trên phố Trần Nhân Tông, mà 320.000 đồng'', chị Thanh chia sẻ.
Mừng vì mua được đồ xịn giá "bèo", đến tối hôm sau, chị Thanh dẫn thêm vài người bạn đến để chọn quần áo tại đây. Thấy giá rẻ, ai cũng thích nên cố bới tìm mua cái áo khoác giống hệt chiếc áo chị Thanh đã mua. Nhưng vì không được thử tại cửa hàng nên chỉ chọn theo cảm tính, về nhà kiểm tra lại thì tất cả sững sỡ vì cái thì thiếu cúc, cái thì rách lớp lót, có cái lành lặn nhất, không bị lỗi gì thì lại… thiếu mũ.
Cũng như chị Thanh, chị Hảo ở ngõ 175 Cầu Giấy vừa mới mua một chiếc áo khoác giá 125.000 đồng cho con trai tại shop xả hàng Made in Vietnam trên phố Chùa Bộc, về kiểm tra lại mới thấy áo bị lỗi dập khuy lệch. ''Lệch hết cả, cuối cùng mình phải đem đi sửa lại toàn bộ, mất thêm 25.000 đồng, xót cả ruột, thành ra tưởng mua được đồ rẻ, lại hóa đắt'', chị Hảo bức xúc cho biết.
![]() |
Tuy nhiên, hàng xuất kiểu này vẫn hút khách vì mức giá rẻ hơn nhiều so với hàng Việt Nam xuất khẩu bán tại các cửa hàng. Ảnh: Tuệ Minh |
Theo chị Hạnh, nhân viên bán hàng shop thời trang xuất khẩu xả hàng trên đường Chùa Bộc, vì quần áo hầu hết là hàng thanh lý nên sẽ ít nhiều có lỗi và hay bị cỡ to so với khổ người Việt Nam, kiểu dáng đơn giản có khi đơn điệu. ''Nhưng thường thì chỉ là những lỗi nhỏ kiểu như đứt khuy, quên thùa khuyết, thiếu túi, mũ… Nếu khách hàng dễ tính thì mua được. Chứ hàng này mà không lỗi thì làm gì có giá rẻ như thế'', chị Hạnh phân bua.
Về xuất xứ của những loại quần áo này, chị Hạnh cho hay chủ yếu là hàng lỗi, hàng thiếu size, hết mốt nhập từ các công ty sản xuất hàng xuất ra nước ngoài. "Cũng có một số là hàng tồn từ nhiều hệ thống cửa hàng Made in Vietnam, nhưng không nhiều. Nếu người mua mua được loại hàng này là tốt nhất, vì thường là hàng hết mốt, chứ không bị lỗi lầm gì", chị Hạnh nói.
Còn theo phán đoán của bác Quang, ở Nguyễn Khang (Hà Nội), nguồn gốc của những loại hàng này không rõ ràng nên rất có thể sẽ có cả hàng cũ, hàng kém chất lượng hay đồ không xuất xứ dán nhãn hàng Made in Vietnam bị trà trộn vào. "Vì khi mua hàng không có mác, nhãn, nên cũng không biết là mới hay cũ. Tại các shop đổ đống kiểu này có nhiều quần áo của thương hiệu nổi tiếng như Zara Basic, Mango..., nhưng cũng chẳng phân biệt được có phải là hàng xịn hay không", bác Quang cho hay.
Là người đã có thâm niên làm thợ may công nghiệp ở thôn Cổ Nhuế, anh Nguyễn Văn Phú ở Đan Phượng (Hà Nội) chia sẻ, tại Hà Nội hiện nay, chẳng khó để mua các nhãn hàng tên tuổi lớn, thậm chí cả nhãn hàng Việt Nam xuất khẩu như Zara, Mango... Theo lời anh, khu phố chuyên bán nhãn hàng thời trang kiểu này ở Hà Nội là Hàng Bồ và chợ Đồng Xuân. Giá các loại nhãn thương hiệu này cũng tương đối rẻ, chỉ khoảng 200 đến 500 đồng một cái, vài chục nghìn đồng một dây.
"Thỉnh thoảng chúng tôi cũng nhận được một vài hợp đồng may áo rồi gắn mác hàng Việt Nam xuất khẩu, thường áo sơ mi thì gắn mác Việt Tiến, Khataco, còn các loại áo khoác, đồ đông thì nhái thương hiệu nổi tiếng như Zara, Mango...", anh Phú kể.
Tuy nhiên, không vì nguồn gốc, chất lượng lập lờ mà những loại quần áo Made in Vietnam bán kiểu thanh lý, xả hàng kém hút khách. Thậm chí, tại hai hệ thống cửa hàng kiểu này trên đường Cầu Giấy và đường Ngô Gia Tự, còn xảy ra hiện tượng mua tranh, bán cướp, vì đánh trúng tâm lý thích mua hàng Việt Nam xuất ra nước ngoài có giá rẻ của phần lớn người tiêu dùng.
Theo chị Thanh Trà, nhân viên một shop thời trang gần shop hàng xuất khẩu xả hàng, thanh lý trên đường Cầu Giấy cho hay, trong khi các cửa hàng thời trang bình thường rất ế ẩm, ngay cả cửa hàng nhà chị, cả ngày cũng chỉ bán được một vài sản phẩm, thì tại shop này, ngày nào cũng như ngày nào, từ lúc bắt đầu mở cửa lúc 8h sáng, đến khi đóng cửa lúc 22h đêm, cửa hàng luôn tấp nập khách mua. "Thậm chí nhiều hôm, họ còn mượn khoảng trống trước cửa hàng nhà tôi để làm nơi cho khách gửi xe", chị Thanh Trà tiết lộ.
Tuệ Minh