Chủ một doanh nghiệp chuyên phân phối mặt hàng nông sản kể, trong những chuyến công du nước ngoài ông rất ngạc nhiên khi bắt gặp sản phẩm nước mắm Phú Quốc lại ghi là sản xuất tại Thái Lan. Và khi tìm hiểu ra thì vỡ lẽ đó là hàng Thái Lan nhưng lại “mượn danh”, dán mác nước mắm Phú Quốc của Việt Nam để tiêu thụ.
Câu chuyện mà lãnh đạo doanh nghiệp trên kể không có gì mới, bởi thời gian qua không chỉ nước mắm, mà các sản phẩm nông sản khác như mì khô, bún khô… cũng bị các doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc “mượn tên” để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Sản phẩm, hàng hoá của những thương hiệu Việt có tiếng tại địa phương không chỉ bị doanh nghiệp ngoại lợi dụng, mà doanh nghiệp trong nước cũng “ăn theo nhãn hàng”.
Chia sẻ với VnExpress, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, những đặc sản gắn liền với chỉ dẫn địa lý của các địa phương như xoài cát Hoà Lộc, bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc, bún bò Huế... bị xâm hại thương hiệu nhiều nhất. “Những thương hiệu gắn liền với địa phương, quốc gia nhưng lại chưa được bảo hộ đúng mức ở thị trường nước ngoài nên dễ bị mượn danh, lợi dụng”, vị Cục trưởng chia sẻ.
Đơn cử nước mắm Phú Quốc, ông Sơn cho biết, sản phẩm này đã được công nhận xuất xứ tại 28 nước thành viên liên minh châu Âu, đã có 450.000 lít với tên gọi “nước mắm Phú Quốc” được bán ra tại thị trường này.
Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý phải trải qua một quá trình sản xuất rất khắt khe, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào là cá cơm, phương pháp, dụng cụ ủ chượp… Tất cả các khâu này đều được kiểm soát nghiêm ngặt bởi nhà sản xuất, bởi Hội nước mắm Phú Quốc và Ban kiểm soát thuộc Hội.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, trong số ít các sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phú Quốc, hay gần đây nhất là bún bò Huế thì việc bảo hộ cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Nói về chuyện nước mắm Phú Quốc dù đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn bị “mượn danh”, bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc trầm ngâm cho biết “con đường 'đi tìm lại tên cho em' cho nước mắm Phú Quốc quả thật gian nan”.
Chưa kể tới thị trường nước ngoài thì ngay tại thị trường trong nước, trong số vô vàn doanh nghiệp “tự xưng sản xuất nước mắm Phú Quốc thứ thiệt” thì chỉ có 11 doanh nghiệp đang được sử dụng tem kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nước mắm Phú Quốc đang lưu thông trên thị trường, nghĩa là nước mắm “xịn”, có xuất xứ và đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo hộ chỉ dẫn địa lý của sản phẩm.
“Những sản phẩm nước mắm trên nhãn ghi 'Nước mắm cốt cá cơm Phú Quốc' hoặc 'nước mắm nhĩ cá cơm Phú Quốc', hay nước mắm của Thái Lan sản xuất nhưng lại có tên Phú Quốc trên nhãn... khiến người tiêu dùng ngộ nhận sản phẩm này xuất xứ từ Phú Quốc, song thực tế là những doanh nghiệp đó chỉ mượn tên”, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc giãi bày.
Việc một sản phẩm mang thương hiệu quốc gia như nước mắm Phú Quốc bị “mượn danh”, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty CP tư vấn phát triển & thương mại Phúc Lâm (đơn vị phân phối sản phẩm nước mắm Phú Quốc) cho rằng đã ảnh hưởng trực tiếp tới những sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ, dẫn tới sự hiểu lầm khi lựa chọn sản phẩm trên thị trường.
Dẫn kết quả cuộc khảo sát nhỏ với 200 người tiêu dùng, ông Thành buồn rầu khi gần 100% số người được hỏi không nhận diện đúng nước nắm được bảo hộ, nên đã chọn mua nhầm sản phẩm “mang danh” Phú Quốc. “Vì thế hầu hết người tiêu dùng đã phải bỏ tiền mua sản phẩm không đúng chất lượng, tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra”, Giám đốc Công ty Phúc Lâm nói.
Với những sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh, doanh nghiệp không thể đơn giản là ngồi chờ khách hàng đến, mà phải chủ động tìm tới khách hàng.
“Doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa tiếp thị, quảng bá hình ảnh và chất lượng sản phẩm; chủ động tham gia vào hệ thống phân phối của thị trường rộng lớn như châu Âu, có đòi hỏi yêu cầu rất cao. Có như thế mới có thể cạnh tranh với những sản phẩm 'mang danh' và 'đánh bật' số sản phẩm này ra khỏi kệ, quầy hàng các siêu thị nước ngoài”, ông Sơn nhấn mạnh.