Theo Chosun Ilbo, nhiều quan chức gạo cội từ thời cố chủ tịch Kim Jong-il còn nắm quyền lãnh đạo đã vắng mặt trong lễ kỷ niệm 22 năm ngày ông trở thành tổng tư lệnh tối cao hôm 24/12.
Một bức ảnh về sự kiện này được đăng tải trên hãng thông tấn chính thức KCNA cho thấy, đứng ngay sau Kim Jong-un là nhóm "tam hùng" mới gồm các quan chức quyền lực Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội Choe Ryong-hae, Tư lệnh Lục quân Ro Yong-hil và Bộ trưởng Các lực lượng Vũ trang Jang Jong-Nam.
Các ủy viên của Ủy ban Quốc phòng Quốc gia như Kim Yong-chun, Ri Yong-mu, O Kuk-ryol, Hyon Chol-hae, cũng như các quan chức then chốt của quân đội có quan hệ thân thiết với ông Jang Song-thaek, đều vắng mặt trong sự kiện này. Điều đó cho thấy, Ủy ban Quốc phòng Quốc gia, cơ quan ra quyết định quyền lực nhất dưới thời Kim Jong-il, đã bị suy yếu.
Dù Kim Jong-un là chủ tịch ủy ban này, việc xử tử ông Jang, phó chủ tịch, dường như đã buộc những quan chức máu mặt khác phải lui về hậu trường.
Triều Tiên đang trải qua biến động chính trị lớn nhất kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền thay cha hồi cuối năm 2011. Những thay đổi này làm dấy lên nhiều lo ngại về tình hình ở bán đảo Triều Tiên và chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo Yonhap, Ủy ban Thống nhất Hòa bình Tổ quốc của Triều Tiên hôm 25/12 gửi đến chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye một văn bản gồm 7 câu hỏi, trong đó có câu "Tin tưởng hay đối đầu?".
Trong văn bản này, Triều Tiên cũng chỉ trích bà Park đã vu khống cho láng giềng và theo đuổi chính sách đối đầu thậm chí còn khắc nghiệt hơn cả người tiền nhiệm Lee Myung-bak.
Đáp lại, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố việc lựa chọn tin tưởng hay đối đầu phụ thuộc vào thái độ của Triều Tiên. Seoul cho rằng việc đưa những câu hỏi trên là nhằm mục đích che đậy tình hình hỗn loạn bên trong Triều Tiên, ngụ ý đến vụ tử hình người chú của Kim Jong-un, ông Jang Song-thaek.
Anh Ngọc