Đây là nguyên nhân chính khiến gần 500 trung tâm ngoại ngữ, tin học chưa được cấp phép hoặc giấy phép hết hạn nhưng vẫn hoạt động, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, ngày 25/1.
Sau dịch bệnh, nhiều cơ sở đẩy mạnh hoạt động nhằm khắc phục hậu quả nhưng thực hiện không đúng quy định, hoạt động không phép hoặc không tuân thủ về chuyên môn, quản lý.
Một số trung tâm được phép thành lập giai đoạn cuối năm 2019, đầu năm 2020, sau đó ngưng hoạt động, giải thể do Covid-19 nhưng chưa làm thủ tục theo quy định. Một số khác có giấy phép hoạt động nhưng đã hết thời hạn; hoặc chuyển đổi từ mô hình chi nhánh sang hình thức đăng ký thành lập mới nhưng chưa hoàn thành hồ sơ.
Dịch bệnh cũng khiến Sở Giáo dục và Đào tạo ngưng nhận hồ sơ cấp phép một thời gian nên sẽ gia hạn để các cơ sở hoàn thành.
Ngoài ra, nhiều trường có yếu tố nước ngoài hoặc dạy thí điểm các chương trình quốc tế chậm chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 86/2018. Tức là các trường phải dừng hoạt động thí điểm, chuyển sang giảng dạy chương trình tích hợp (gồm chương trình nước ngoài và Việt Nam) để đảm bảo hai mục tiêu đầu ra cho học sinh: có bằng tốt nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp, đáp ứng điều kiện chứng chỉ quốc tế để du học.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã rút giấy phép thành lập 10 cơ sở của Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng tại các quận 1, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình. Lấy lý do phải ngừng dạy do Covid-19, trung tâm này đã nghỉ dạy vô thời hạn trong khi đã thu tiền của nhiều học viên.
UBND TP HCM yêu cầu thành lập đoàn thanh tra, xử lý sai phạm của trung tâm trên, đồng thời yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát tất cả trung tâm ngoại ngữ tại thành phố. Kết quả là 253 trung tâm ngoại ngữ chưa được cấp phép hoạt động, 241 cơ sở khác có phép nhưng hết hạn. Hầu hết là trung tâm ngoại ngữ, có nơi dạy song song cả ngoại ngữ và tin học.