Sáng 7/6, 12 tài xế của hãng xe Phi Long thuộc Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế đồng loạt nghỉ việc nhằm phản đối nhiều chế độ, chính sách mà theo họ là bất hợp lý trong quá trình hoạt động vận tải hành khách.
Theo tài xế Hồ Ngọc Vỹ, ngày 23/5, tập thể tài xế gồm 12 người đã cùng nhau gửi đơn kiến nghị đến công ty về hoạt động kinh doanh không hiệu quả, mong xem xét giảm giá giao khoán cho mỗi đầu xe trước sức ép cạnh trạnh cùng nhiều chi phí, dịch vụ phát sinh. Tuy nhiên, chủ xe Phi Long không đồng ý.
"Mỗi tháng công ty khoán 15-18 triệu đồng mỗi xe. Trong khi đó, xe quá cũ do hoạt động hơn 10 năm nên rất ít khách. Những năm trước mức khoán chỉ 8-9 triệu đồng. Việc này làm cho tổ lái xe gặp không ít khó khăn khi cạnh tranh với các hãng xe khác", tài xế Vỹ nói và cho hay trong cuộc họp hôm 6/6, người đứng đầu công ty còn bảo sẽ thu hồi xe nếu tài xế không đồng ý mức khoán đã đưa ra.
Cùng cho xe ngừng hoạt động, tài xế Đặng Quang Vũ cho biết thêm, trung bình mỗi tháng tài xế chỉ chạy 20 đến 22 phiên. "Quá trình chạy xe, lái xe phải tiêu tốn thêm nhiều chi phí phát sinh dọc đường, mức khoán cao từ công ty không phù hợp tình hình vận tải thực tế", anh Vũ nói và cho hay tất cả tài xế không muốn đình công mà chỉ ngừng hoạt động đợi giải quyết thỏa đáng rồi sẽ đi làm trở lại.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bá Viện (Phó giám đốc Công ty Cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế) thừa nhận việc lái xe tuyến Huế - Đà Nẵng đồng loạt nghỉ do không tình với mức khoán mà chủ doanh nghiệp đưa ra. "Lái xe có quyền đình công khi họ thấy quyền lợi chưa đảm bảo. Chúng tôi sẽ làm việc với từng lái xe để tìm ra cách giải quyết hợp lý, tránh ảnh hưởng đến hoạt động vận tải chung", ông Viện khẳng định và cho hay đã báo lên lãnh đạo bến xe Huế.
Ông Phạm Trung Đức, phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Huế (đơn vị quản lý chung) cho rằng, để đảm bảo việc trung chuyển khách tuyến Huế - Đà Nẵng diễn ra đúng lịch trình, lãnh đạo công ty phải huy động nhiều xe khách của các hãng xe khách nhau vào cuộc.
“Trước đây, lái xe của hãng này đã phản đối do chế độ khoán và các chi phí khác không hợp lý. Chúng tôi có nhắc nhở nhưng sự việc lại tái diễn”, ông Đức thông tin và cho hay có thể do phải chịu sức ép từ những hãng xe cùng tuyến mà chất lượng dịch vụ cho hành khách tốt hơn nên các tài xế mới nghỉ việc để đòi quyền lợi.
Đắc Đức