Ngày 16/9, hình ảnh suất cơm 22.000 đồng gồm cơm, 5 con tôm kho bóc vỏ, thịt bò xào bắp cải, canh bí nấu thịt của trường Tiểu học Thạch Linh (Hà Tĩnh) được nhiều phụ huynh đăng tải lên mạng xã hội vì cho rằng "quá ít". Hai hôm sau, bà Lê Thị Thủy, hiệu trưởng nhà trường phải xin lỗi và để hội phụ huynh lựa chọn nhà hàng đủ tiêu chuẩn phụ trách nấu ăn bán trú cho học sinh.
Sau gần một tuần tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, phụ huynh chỉ nhận được lời từ chối vì nhà hàng nào cũng sợ suất cơm bị đưa lên mạng, ảnh hưởng uy tín. Cuối cùng hội phụ huynh và nhà trường đi đến thống nhất quay lại đơn vị cũ.
Sự việc tương tự xảy ra với trường Quốc tế Việt Úc (VAS), cơ sở Sala tại TP HCM. Hôm 18/9, phụ huynh đăng loạt ảnh về bữa ăn trưa của con đang học tiểu học lên mạng xã hội, sau khi con than đói khi đi học về. Suất ăn với hai miếng gà kho, hai miếng cá tẩm bột chiên, ít su su xào, canh bắp cải và miếng dưa hấu khiến phụ huynh này bức xúc vì không xứng đáng với 140.000 đồng cho ba bữa sáng, trưa và xế chiều.
Ban điều hành nhà trường sau đó thừa nhận cơ sở Sala và nhà cung cấp đã sơ suất trong định lượng suất ăn bán trú, đồng thời xin lỗi phụ huynh và hứa có giải pháp nâng cao chất lượng suất ăn.
Hai sự việc trên nhận được nhiều ý kiến. Bày tỏ sự bất bình về suất cơm không tương xứng với số tiền bỏ ra, nhiều người cho biết sẽ chấp nhận cho con ăn suất cơm ít thức ăn một chút nhưng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tâm lý này xuất phát từ những vụ học sinh bị ngộ độc sau bữa ăn ở trường.
Gần đây nhất, ngày 13/9, sau bữa chính và phụ với cơm tẻ, nem rán, canh đỗ xanh, chè đỗ đen, bánh quy và chuối, gần 90 học sinh trường Mầm non xã Thụy Liễu (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) phải vào Trung tâm y tế huyện điều trị do ngộ độc thực phẩm.
Hồi tháng 3, bếp ăn bán trú trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) bị phát hiện sử dụng thịt lợn nổi hạch và thịt gà đông lạnh đã mủn, hôi thối để nấu ăn cho học sinh.
Hàng trăm phụ huynh đã cho con nghỉ học để phản đối. Gần 2.000 gia đình khắp các xã trên địa bàn Thuận Thành đưa con ra Hà Nội khám. Bắc Ninh phải tổ chức khám miễn phí cho học sinh 19 trường mầm non ở huyện Thuận Thành do sử dụng thực phẩm từ cùng một công ty. Kết quả, 11,9% ca xét nghiệm dương tính với ấu trùng sán lợn.
Có con đang học lớp 1 và ăn bán trú tại trường Tiểu học Thạch Linh (Hà Tĩnh), phụ huynh Nguyễn Thị Phương chia sẻ lo nhất là bị ngộ độc thực phẩm. Dù được phép giám sát, trên thực tế không bố mẹ nào có thể xác định đồ ăn có sạch hay không, bởi không phải chuyên gia. "Khía cạnh này cần sự trung thực, lương tâm của những người đứng bếp", chị Phương nói.
Chị Bùi Thanh thì cho con trai 4 tuổi dừng sử dụng dịch vụ ăn bán trú tại trường mầm non công lập thuộc huyện Duy Tiên (Hà Nam). Năm ngoái, chị Thanh cho con ăn trưa tại trường, nhưng bé hơi khó ăn, về nhà lại kêu đói, một vài hôm bị đau bụng và đi ngoài. "Tôi từng qua trường kiểm tra, thấy bếp ăn không sạch sẽ, phòng ăn bí và mùi dầu mỡ nồng nặc", chị Thanh nói.
Từ góc độ quản lý, ông Nguyễn Trí Bằng, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), cho rằng bữa ăn học đường có mặt tích cực là giúp bố mẹ tiết kiệm được thời gian đưa đón; trẻ sinh hoạt đúng giờ, học được kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, chức năng chính của trường học là giáo dục, chuyên môn chính của thầy cô là dạy học. Giáo viên không thể một lúc sắm hai vai, vừa lo dạy học, vừa lo bữa ăn bán trú đảm bảo dinh dưỡng, hợp vệ sinh.
Đức Hùng - Thanh Hằng