Chính phủ Brazil hôm nay tuyên bố sẽ triển khai 120 thành viên lực lượng an ninh quốc gia đến bang Roraima giáp biên giới với Venezuela vì xảy ra đụng độ giữa người dân nước này tại thị trấn Pacaraima với người di cư đến từ quốc gia láng giềng.
Đây là một phần trong những biện pháp tăng cường an ninh mà các nước láng giềng của Venezuela như Brazil, Ecuador và Peru đang áp dụng để đối phó với dòng người di cư tìm cách thoát khỏi khủng hoảng kinh tế ở quốc gia Nam Mỹ này, CNN ngày 20/8 đưa tin.
Một thẩm phán trước đó ra phán quyết cấm người Venezuela tới bang Roraima nhưng bị Toà án Tối cao Brazil bác bỏ. Chính phủ Brazil cam kết giúp người Venezuela và sẽ tiếp tục đưa người di cư đến các bang khác ở nước này.
Chính phủ Ecuador sáng 18/8 bất ngờ yêu cầu các công dân Venezuela khi vào Ecuador cần có hộ chiếu còn hạn, thay vì các loại giấy thông hành khác như trước đây. Luật mới có hiệu lực khiến nhiều người Venezuela ngạc nhiên, vì họ đã lên đường tới cửa khẩu trước khi biện pháp này có hiệu lực.
Bộ Nội vụ Ecuador một ngày sau tuyên bố trên Twitter rằng luật cho phép trẻ em và thiếu niên Venezuela không cần xuất trình hộ chiếu "miễn là bố mẹ chúng có giấy tờ và chứng minh được mối quan hệ của họ". Ecuador đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sự di chuyển của người dân ở ba tỉnh, có nghĩa là có thể có thêm biện pháp hạn chế với người Venezuela nhập cư.
Ecuador vừa là điểm đến vừa là điểm trung chuyển của người Venezuela. Nhiều người Venezuela sau khi vượt qua biên giới tới quốc gia này sẽ tiếp tục lên đường đến Peru và các nước khác ở phía nam.
Chính phủ Peru cũng nối bước Ecuador, tuyên bố ngày 18/8 rằng từ ngày 25/8, người dân Venezuela muốn đến nước này cần phải có hộ chiếu còn hạn.
Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR) cho biết hơn 500.000 người Venezuela đã đi qua Colombia để đến Ecuador kể từ đầu năm nay, con số tăng lên khoảng 30.000 người trong tuần đầu tháng 8.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 18/8 công bố hàng loạt các biện pháp cải tổ nhằm đưa nền kinh tế Venezuela thoát khỏi siêu lạm phát, bao gồm tăng thuế, nâng mức lương tối thiểu lên 60 lần và xóa 5 số 0 trên đồng nội tệ Bolivar vào ngày 20/8.
Những biện pháp này của chính phủ Venezuela khiến nhiều người lo sợ doanh nghiệp sẽ phá sản vì không trang trải nổi lương tối thiểu cho người lao động, dẫn đến tình trạng thất nghiệp trầm trọng hơn và kéo theo làn sóng di cư tăng lên. Năm 2017, tỷ lệ lạm phát của Venezuela đã vượt quá 2.600% và có thể lên tới 1 triệu % trong năm nay, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Khánh Lynh