Sáng 20/7, sau khi công bố lý lịch các bị can và điểm danh những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, TAND tỉnh Thanh Hoá quyết định hoãn phiên toà với lý do thiếu hai bị cáo chưa thể trích xuất vì liên quan một vụ án khác tại TP HCM. Người bị hại là đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá, một số luật sư cũng vắng mặt.
"Những người vắng mặt sẽ ảnh hưởng tiến trình giải quyết vụ án", thẩm phán thông báo và cho hay phiên toà dự kiến mở lại ngày 15/8.
Bà Hằng bị VKSND Tối cao truy tố về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan vụ thông thầu mua sắm thiết bị dạy học xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2019-2021.
Trong 11 bị can còn lại của vụ án có ông Lê Văn Cương, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Nguyễn Văn Phụng, cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty Sách Thanh Hóa...
Theo cáo buộc, giai đoạn 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa triển khai hai gói thầu mua sắm đồ dùng dạy học lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới. Gói thầu thứ nhất mua đồ dùng dạy học lớp 1 cho 169 trường vùng đặc biệt khó khăn và vận chuyển lắp đặt thiết bị. Gói thầu thứ hai trang bị đồ dùng dạy học lớp 1, lắp đặt cho 512 trường còn lại.
Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định đầu tháng 9/2019, sau khi biết Sở Giáo dục và Đào tạo có chủ trương đấu thầu gói số 1 với ngân sách hơn 33 tỷ đồng, Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty Sách Thanh Hóa, đến gặp bà Hằng xin tham gia và muốn "tạo điều kiện" trúng thầu.
Cơ quan điều tra chỉ ra một trong những chiêu chức thông thầu là bà Hằng chỉ định Công ty Nam Anh là đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu số 1 mà không thẩm định hồ sơ năng lực của doanh nghiệp. Thực tế, Nguyễn Duy Linh là Giám đốc Nam Anh nhưng không có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu, trái với quy định.
Công ty Thẩm định giá BTC Value bị cáo buộc khi tham gia thẩm định giá đã không khảo sát thực tế thị trường, không thu thập thông tin giá tài sản mà sử dụng danh mục, giá thiết bị của Nguyễn Văn Phụng, Lê Thế Sơn lập thống nhất từ trước, rồi sửa dự thảo chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu của nhóm này.
Kết quả điều tra cũng xác định, quá trình thực hiện gói thầu số 2, hành vi sai phạm cũng tương tự như gói thầu số 1. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã chỉ đạo Trịnh Hữu Nghĩa (Phó phòng Kế hoạch - Tài chính phụ trách thay cho ông Lê Văn Cương đã nghỉ hưu), Nguyễn Văn Phụng tạo điều kiện theo đề nghị của Lê Thế Sơn.
Do gói thầu số 2 có giá trị lớn (gần 87 tỷ đồng), Công ty Sách Thanh Hóa không đủ năng lực tham gia, bị can Lê Thế Sơn do đó chủ động liên hệ lãnh đạo bốn doanh nghiệp khác đề nghị tham gia liên danh đấu thầu với tên gọi Liên danh Thanh Hà - Thanh Hóa. Vì đã thông đồng từ trước, Liên danh Thanh Hà dễ dàng trúng tiếp gói thầu số 2.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi thông thầu của 12 bị can đã vi phạm Điều 89, Luật Đấu thầu 2013, gây thiệt hại ngân sách 20,8 tỷ đồng.
Kết luận giám định tài sản cho thấy gói thầu số 1 giá trị thực tế 24,9 tỷ đồng nhưng được nâng khống lên 32,6 tỷ đồng (chênh lệch 7,6 tỷ đồng). Gói thầu số 2, giá trị thực tế 73,7 tỷ đồng, trong khi giá trị thực hiện gần 87 tỷ đồng (nâng khống 13,2 tỷ đồng).
Theo cáo trạng, kết thúc mỗi gói thầu, bị can Sơn đã đến phòng làm việc "lại quả" cho ông Nguyễn Văn Phụng, tổng cộng 6 tỷ đồng (mỗi lần 3 tỷ đồng).
Ông Phụng khai sau đó đã đưa cho bà Hằng 3 tỷ đồng, ông Nghĩa 1,65 tỷ đồng, ông Cương 250 triệu đồng... Số còn lại 300 triệu đồng, ông Phụng khai giữ lại cho Phòng Kế hoạch Tài chính chi vào công việc chung.
Vụ án xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá liên là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất ở Thanh Hoá trong nhiều năm qua bị phanh phui.