Báo cáo tài chính của một số nhà băng khối cổ phần cho thấy bức tranh lợi nhuận sụt giảm khá mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý III của Ngân hàng cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chỉ bằng 81% cùng kỳ, đạt 67,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận 467,9 tỷ đồng, giảm hơn 52 % so với 9 tháng năm 2011.
Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) cũng cho biết lợi nhuận sau thuế quý III thấp hơn một phần sáu lần lãi ròng cùng kỳ, chỉ đạt 5,2 tỷ đồng. Lũy kế lãi ròng 9 tháng đầu năm 2012, nhà băng đạt 73,8 tỷ đồng, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Quý III, Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) cũng báo lỗ sau thuế 496 tỷ đồng. Tuy 9 tháng, ACB vẫn lãi 896,4 tỷ đồng nhưng con số này bị giảm tới 57% so với cùng kỳ 2011.
Theo Báo cáo tài chính công ty mẹ của một “ông lớn” trong ngành thuộc khối nhà nước là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) lãi ròng 9 tháng đầu năm 2012 giảm 2,14% so với cùng kỳ, đạt 3.237 tỷ đồng.
Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quý III nhưng tính đến cuối tháng 8, lợi nhuận trước thuế của Eximbank mới đạt 50% kế hoạch năm... Trong số các ngân hàng cổ phần mới công bố Báo cáo tài chính quý III, chỉ riêng Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank – CTG) không bị sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ.
![]() |
Nhiều nhà băng có khả năng không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà |
Về lý do lợi nhuận sụt giảm, Ngân hàng Bảo Việt lý giải chủ yếu là do đơn vị này tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Nguyên nhân là khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi nợ của nhà băng. Cụ thể, riêng quý III, BaoViet Bank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 40,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 4,9 tỷ đồng. 9 tháng, dự phòng rủi ro tín dụng BaoViet Bank gấp đôi, từ 25,3 tỷ đồng năm ngoái lên 51,3 tỷ đồng năm nay.
Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của LienVietPostBank cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhà băng này giảm mạnh. Riêng quý III, con số trích lập tăng gấp 7 lần so với năm ngoái, từ 12,4 tỷ lên 82,1 tỷ trong năm nay. Tính đến hết 30/9, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này là 243,8 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, nợ nhóm này của LienVietPostBank chỉ là 4,48 tỷ đồng.
ACB cũng trích lập dự phòng tín dụng gần 274 tỷ đồng trong quý III, gấp 3 cùng kỳ năm 2011. Lũy kế 9 tháng, nhà băng này trích lập gần 576 tỷ đồng, tăng 90% cùng kỳ 2011.
Tuy mức trích lập dự phòng của hai “ông lớn” Vietinbank và Vietcombank đều giảm trong quý III nhưng xét lũy kế từ đầu năm, con số trích lập của hai nhà băng này cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, trích lập dự phòng rủi ro của CTG tăng gần 26%, từ mức 2.185 tỷ đồng năm ngoái lên 2.751 tỷ đồng năm nay.
Tương tự Vietcombank cũng có mức trích lập dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm tăng gần 52% so với cùng kỳ. Về chất lượng nợ cho vay, 9 tháng đầu năm 2012, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này lên 3.211 tỷ đồng, nhiều hơn cuối năm 2011 khoảng 41%. Ngoài ra, nợ nghi ngờ qua 9 tháng tăng gần 30% trong khi nợ dưới chuẩn cũng cao hơn đầu năm trên 2,5 lần.
![]() |
Khoản trích lập dự phòng của 4 ngân hàng đã công bố Báo cáo tài chính |
Đại diện Vietinbank cho biết việc xử lý nợ xấu của những năm trước là nguyên nhân khiến khoản trích lập dự phòng 9 tháng đầu năm của nhà băng tăng so với cùng kỳ. “Tuy nhiên, đến quý III, do các khoản nợ được giải quyết một cách tương đối nên trích lập dự phòng của Vietinbank đã giảm so với 2 quý đầu năm", vị này nói.
Ông này cũng cho biết, mục tiêu của nhà băng này từ nay đến cuối năm không phải là tăng trưởng tín dụng mà là kiểm soát nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB cũng cho biết việc trích lập dự phòng của các nhà băng này tăng chủ yếu do tình trạng nợ xấu còn cao. “Đây là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của các nhà băng bị giảm sút. Thêm vào đó, khủng hoảng chung của nền kinh tế khiến khách hàng gặp khó nên nguồn thu từ các khoản vay của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng”, ông Toại nói.
Trong quý IV, lãnh đạo ACB cho biết nhà băng sẽ tập trung việc khôi phục lại bảng cân đối tài sản, tránh những tác động của thị trường vàng bằng cách tập trung cho huy động tiền đồng. Ông Toại cũng cho biết, 2% nguồn huy động của nhà băng này là từ vàng. Do đó vừa qua nhiều người dân đi rút vàng lúc giá vàng tăng nên tổng tài sản của ngân hàng này bị giảm.
"Chúng tôi không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong quý IV mà chủ yếu phục vụ nhu cầu vốn vay của những khách hàng cũ", ông Toại nói.
Đánh giá về khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao trong 9 tháng của các nhà băng, theo Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, có thể do nợ xấu của các ngân hàng đang tăng lên. Hoặc giả, cũng theo ông Ánh, nợ xấu thực sự vẫn thế, nhưng bây giờ các ngân hàng mới "soi lại số liệu kỹ hơn" nên con số tăng lên.
Còn theo TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM), dự phòng đang tăng lên, đồng nghĩa việc bảo đảm an toàn cho ngân hàng đang lớn hơn sức ép lợi nhuận từ cổ đông. "Đồng thời, quản lý của nhà nước về dự phòng rủi ro đang trở nên chặt chẽ hơn", ông Thành nói.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng các ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro để tích cực xử lý nợ xấu là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế.
"Trích lập thêm dự phòng rủi ro là một biện pháp xử lý nợ xấu. Khi họ trích lập dự phòng là tự đánh vào lợi nhuận, phải bớt lãi đi, thậm chí lỗ để tăng khả năng xử lý nợ xấu", vị lãnh đạo này nói.
Vào thời điểm cuối quý I, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 202.000 tỷ đồng, tương đương 8,6% dư nợ. Ngân hàng Nhà nước hiện chưa cập nhật con số chi tiết, nhưng cho biết hiện vẫn vào khoảng 8-10%. Trong số nợ xấu này, các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro hơn 70.000 tỷ đồng và từ quý I đến nay toàn hệ thống xử lý được 36.000 tỷ đồng.
Cùng với hệ thống các công ty xử lý nợ xấu của từng ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án lập công ty quốc gia về mua bán nợ, với hy vọng sẽ xử lý thêm 60.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu.
Hàn Phi - Ngọc Tuyên