Goldman Sachs hôm 18/6 hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 6% về 5,4%. Tốc độ cho năm sau cũng bị hạ từ 4,6% về 4,5%. Goldman Sachs cho rằng kinh tế Trung Quốc đang ngày càng bị bó buộc, do dân số giảm, khối nợ tăng và giới chức kiềm chế đầu cơ bất động sản.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng khác cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sau các số liệu kinh tế bi quan tháng 5, từ doanh số bán lẻ đến đầu tư vào tài sản cố định. Nomura Holdings dự báo GDP Trung Quốc chỉ tăng 5,1%. UBS cho rằng tốc độ này là 5,2%. Standard Chartered kỳ vọng mức tăng là 5,4%. JPMorgan hạ từ 5,9% xuống 5,5%.
"Không nơi nào mất đà hồi phục sau khi mở cửa lại nền kinh tế nhanh như Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng các thách thức với tăng trưởng sẽ vẫn kéo dài. Giới chức thì vẫn đang phải cân nhắc nhiều yếu tố về kinh tế và chính trị để đưa ra biện pháp kích thích phù hợp", Hui Shan – nhà phân tích tại Goldman Sachs nhận định.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5% năm nay – thấp nhất trong hơn 30 năm, sau khi không đạt mục tiêu năm ngoái. Truyền thông Trung Quốc đưa tin cuối tuần trước, quan chức nước này đã họp bàn cách kích thích tăng trưởng.
Các nhà kinh tế học cho rằng khi giới chức vẫn muốn siết đầu cơ bất động sản, quy mô kích thích lần này sẽ nhỏ hơn các lần trước. Trung Quốc trước đây thường tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản, nhằm kéo tăng trưởng lên cao.
Lần này, các nhà kinh tế học dự báo Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp tài khóa. Đó là tăng quota phát hành trái phiếu cho các chính quyền địa phương, yêu cầu các ngân hàng chính sách tăng cho vay, hoặc chính phủ phát hành trái phiếu có mục đích đặc biệt.
Vài ngày trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng bất ngờ hạ hàng loạt lãi suất ngắn hạn. Động thái này thể hiện sự thay đổi trong quan điểm của chính phủ, cho thấy giới chức ngày càng lo ngại về sự đi xuống của nền kinh tế.
Hà Thu (theo Bloomberg, Reuters)