Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết khoảng 19-20h đêm nay, bão Talim sẽ đến đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó đi vào vịnh Bắc Bộ. Sớm nhất trưa mai, bão ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió cấp 9-10.
Từ 17/7, UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) đã có công văn tạm dừng tổ chức hoạt động tham quan, vui chơi giải trí, tắm biển trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và những bãi tắm trên địa bàn. Ông Phạm Hà, chủ du thuyền Hertitage chạy tuyến vịnh Lan Hạ, nói tàu đã về điểm trú bão tại bến Gia Luận (Hải Phòng) từ chiều 16/7.
Du thuyền này sẽ hủy lịch trình tham quan, ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ trong hai đêm 17-18/7. Ông Hà nói trước khi có thông báo, du thuyền đã nhận kín khách cho 20 phòng, giá khoảng 11 triệu đồng mỗi đêm. 50% khách là người nước ngoài, thời gian du lịch ít nên đã hủy phòng. Do đó, doanh nghiệp này mất khoảng hơn 100 triệu đồng mỗi đêm. Số còn lại là khách Việt, có thể chủ động thời gian, nên dời lịch trình sang ngày khác.
Đại diện Hội du thuyền Lan Hạ cho biết các doanh nghiệp thuộc đơn vị có tổng cộng khoảng 800 phòng. Việc hủy, hoãn chuyến do lệnh cấm tàu gây thiệt hại lớn cho người kinh doanh nhưng buộc phải chấp nhận để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, một chủ tàu khác nói tình hình thời tiết hiện tại vẫn ổn. Theo kinh nghiệm của người này, lẽ ra, các du thuyền có thể đón khách nốt 17/7 và trả khách về an toàn vào khoảng 9h ngày 18/7.
Không chỉ gây ảnh hưởng du thuyền, cơn bão cũng khiến hoạt động kinh doanh du lịch của các khách sạn trên đảo Cát Bà bị ảnh hưởng. Đại diện một khách sạn 5 sao cho biết đã có nhiều du khách yêu cầu hoãn, hủy phòng do tình hình bão.
Tại Quảng Ninh, tỉnh cũng xem xét cấm biển từ 15h ngày 17/7. Trong ngày 17/7, có khoảng 2.500 khách lưu trú trên đảo Cô Tô. Sau khi UBND huyện Cô Tô đã thông tin đến người dân và du khách về diễn biến của bão, 42 chuyến tàu đã xuất bến, đưa hơn 8.000 lượt khách về đất liền.
Hoài Thu, sống tại Hải Phòng, cho biết đã rút ngắn lịch trình du lịch Cô Tô một ngày vì lo ngại tình hình thời tiết xấu. Ban đầu, cô dự định đi từ 15/7 đến chiều 17/7 nhưng đã bắt tàu về sớm từ chiều 16/7. Du khách này cho biết vào thời điểm ra về, thời tiết tại Cô Tô vẫn ổn và vẫn có nhiều khách mới ra đảo.
Thanh Thảo, sống tại Hà Nội, đến Cô Tô hôm 16/7 và dự kiến trở về vào 18/7. Cô không rút ngắn lịch trình mà quyết định sẽ ở lại chơi thêm một, hai hôm nếu thời tiết xấu.
Lâm Việt Đức, sống tại Cao Bằng, có lịch trình đi Cô Tô từ 21/7 đến 23/7 cũng lo lắng về tình hình thời tiết xấu khiến tàu không thể ra đảo. Từ sáng 17/7, anh đã lên các hội nhóm du lịch Cô Tô để tham khảo về thời tiết và khả năng được hủy phòng, vé tàu.
"Tôi nghĩ ngày 21/7 sẽ còn chút dư âm của bão nhưng việc hủy phòng, vé tàu lúc này là không thể vì thiếu lý do chính đáng", anh nói và cho biết mình đã chi 600.000 đồng mỗi đêm để thuê phòng ở homestay và 500.000 đồng cho vé tàu khứ hồi.
Tại Hạ Long, các khách sạn cũng bắt đầu nhận được yêu cầu hủy, dời lịch từ khách vì lo lắng thời tiết xấu. Đại diện Mường Thanh Luxury Quảng Ninh cho biết trong sáng 17/7, phòng kinh doanh đã ghi nhận một số yêu cầu dời lịch của những đoàn khách lớn và cả khách lẻ.
Đại diện cơ sở này nói họ sẵn sàng hỗ trợ dời lịch cho khách vì đa số đến Hạ Long để thăm vịnh, tắm biển. Nếu tàu bị cấm và việc tắm biển trở nên nguy hiểm, chuyến đi của khách cũng "công cốc" nên không thể làm khó họ. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ chấp nhận dời lịch, không cho hủy phòng.
Nhiều chuyến bay quốc tế lùi giờ do bão Talim. Vietnam Airlines hôm nay lùi giờ khởi hành nhiều chuyến bay giữa Việt Nam và Hong Kong do ảnh hưởng bão Talim, các chuyến khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.
Tú Nguyễn