Xây dựng được các công ty chứng khoán đánh giá là ngành ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, nhưng thực tế doanh thu quý đầu năm các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM vẫn tăng trưởng âm đến 7%. Gần phân nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho rằng hoạt động xây dựng trong giai đoạn này khó khăn hơn.
Hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng đang đối mặt rủi ro đến từ thị trường bất động sản ngưng trệ về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhỏ giọt. Những quyết định của cơ quan quản lý về các dự án có nguồn gốc đất công phải đấu giá, tính lại giá đất... cũng khiến chủ đầu tư phải hoãn, thậm chí dừng dự án đang thi công.
Đơn cử, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) cho biết những khó khăn chung của ngành xây dựng và dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án là nguyên nhân chính khiến doanh thu tăng trưởng âm hai chữ số. Công ty chỉ thu hơn 3.550 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, tương ứng giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thấp nên nguồn thu từ hoạt động tài chính cũng biến động theo hướng tiêu cực. Ngoài ra, công ty phải hoàn nhập chi phí trích trước và dự phòng phát sinh nên lợi nhuận sau thuế giảm đến 34% còn 123 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, một thành viên của Tập đoàn FLC, cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Công ty chỉ thu hơn 800 tỷ đồng và lãi chưa đến 500 triệu, trong khi cùng kỳ con số này lên đến 25 tỷ đồng.
Là đối thủ cạnh tranh trực tiếp hai doanh nghiệp này, khó khăn và mức độ thiệt hại của Tập đòa Xây dựng Hòa Bình (HBC) tương tự, thậm chí nặng nề hơn. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 4 tỷ đồng và giảm đến 95% so với cùng kỳ. Đây là mức lãi theo quý thấp nhất trong hơn 5 năm qua của một trong những công ty xây dựng lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay giảm 25% còn 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm hơn phân nửa còn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, với bảy nhóm rủi ro được nêu ra cộng thêm kết quả kinh doanh quý đầu năm thấp kỷ lục, mục tiêu này càng khó chinh phục hơn.
"Công ty đang sử dụng đòn bẩy tài chính cao trong cơ cấu vốn, nên những gia tăng trong chi phí lãi vay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh", ban lãnh đạo Hòa Bình thừa nhận.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng có đến 65% doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh và tiền lãi vay chiếm 1,8% tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Dịch bệnh khiến dòng tiền của các doanh nghiệp có thể bị nghẽn vì ngân hàng chậm giải ngân, chủ đầu tư khó huy động vốn dẫn đến chậm thanh toán.
Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành sa sút vì tác động của dịch bệnh, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) trở thành "ngôi sao" khi lợi nhuận hợp nhất tăng gấp 7 lần cùng kỳ và lập kỷ lục từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu gần 1.060 tỷ đồng, tăng 53% và lợi nhuận 117 tỷ đồng nhờ công ty con hoàn thành và bàn giao một phần dự án chung cư cao tầng.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét trên báo cáo công ty mẹ, doanh thu và lợi nhuận của Hưng Thịnh Incons đều tăng trưởng âm vì dừng thi công, lần lượt đạt 400 tỷ và 2 tỷ đồng.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam cho rằng giãn cách xã hội, làm việc từ xa hoặc luân phiên nghỉ nên hiệu quả không cao. Các doanh nghệp phải loay hoay huy động nhân lực, thiết bị vật tư để khảo sát, kiểm định hiện trường... nên tiến độ dự án bị ảnh hưởng rất lớn.
Tuy nhiên, tình hình sẽ cải thiện hơn trong giai đoạn tới. Một số doanh nghiệp cho biết đã có nguồn việc sẵn sàng để vực dậy hoạt động kinh doanh. Đơn cử như Coteccons mới thông báo nhận hai hợp đồng thi công dự án cao cấp tại quận 1 và 2 (TP HCM), nâng tổng giá trị ký kết trong giai đoạn này lên trên 5.000 tỷ đồng.
Việc Chính phủ tập trung giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ ngành trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, việc sắp ban hành quy định về hợp tác công tư PPP, cho phép tư nhân đấu thầu các dự án hạ tầng xây dựng của nhà nước và được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng cũng là điểm tích cực.
Dù vậy, trong báo cáo chiến lược mới đây, Công ty Chứng khoán BSC vẫn duy trì khuyến nghị kém khả quan đối với ngành này trong cả năm 2020 vì giá trị hợp đồng ký mới sẽ giảm, tỷ lệ phải thu khó đòi của chủ thầu tăng lên và lợi nhuận bị bào mòn vì nợ vay ngắn hạn.
Phương Đông