Những cột sáng hình trụ lơ lửng trên bầu trời phía trên thành phố Jeju ở Hàn Quốc được cư dân địa phương chụp hình và chia sẻ trên mạng xã hội, Newsweek hôm 31/10 đưa tin. Theo các nhân chứng, cột sáng xuất hiện giữa không trung trong hơn một giờ. Nhiều người dùng mạng xã hội liên tưởng tới người ngoài hành tinh, nhưng Alex O'Brien, nhà khí tượng học của kênh KOAA News5 ở Colorado Springs, Mỹ, cho biết đây là một hiện tượng quang học trong khí quyển.
"Cột sáng là hiện tượng quang học trong đó ánh sáng chiếu từ mặt đất lên bầu trời, xảy ra khi tinh thể băng nhỏ li ti với kích thước trung bình khoảng 0,02 mm hình thành và lơ lửng gần bề mặt Trái Đất. Chúng đóng vai trò như vật phản xạ, truyền ánh sáng của thành phố trở lại mắt người hoặc thấu kính camera. Thông thường, tinh thể băng có dạng đĩa, hình thành ở nhiệt độ -10 đến -40 độ C", O'Brien nói.
Hiện tượng từng được ghi nhận ở Mỹ, nhưng ở vùng vùng ôn đới như Hàn Quốc rất hiếm gặp. Vào đêm bức ảnh được chụp, nhiệt độ không hạ xuống dưới 12 độ C. Tuy nhiên, độ ẩm tương đối cao, ở mức khoảng 72% và có rất ít gió. Những điều kiện đó nhiều khả năng thúc đẩy sự hình thành của cột ánh sáng. "Từ kinh nghiệm bản thân khi sống ở Colorado, cột ánh sáng có thể xuất hiện 1-2 lần trong mùa đông. Ban đêm càng lạnh, cơ hội thấy cột ánh sáng càng cao", O'Brien chia sẻ.
Tùy theo điều kiện thời tiết, cột ánh sáng có thể kéo dài hàng giờ, thậm chí có thể quan sát cả đêm nếu thời tiết không thay đổi. Để trông thấy cột ánh sáng, người quan sát cần ra ngoài vào thời gian lạnh và ẩm nhất trong đêm, đồng thời ở gần thành phố để ánh đèn được phản chiếu, theo O'Brien.
An Khang (Theo Newsweek)