Giữa lúc thị trường chứng khoán chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19, hàng loạt cổ phiếu dầu khí lại chịu thêm "cú đấm" từ cuộc chiến giá dầu giữa Nga – Saudi Arabia. Thông tin xấu đến dồn dập đã phủ sắc đỏ lên những cổ phiếu trong rổ VN30 và cả các mã mới đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch dưới mệnh giá, chốt cuối tuần tại 9.300 đồng. Đây là hệ quả của chuỗi 5 phiên mất điểm liên tiếp, trong đó 3 phiên giảm hết biên độ. Áp lực bán được đẩy lên với một phiên có hơn 8 triệu cổ phiếu được sang tay, cao nhất trong vòng một năm. Hôm nay (16/3), PVD tiếp tục đà giảm gần 1% so với tham chiếu, còn 9.220 đồng.
Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng trải qua chuỗi giảm tương tự, kéo thị giá xuống 36.150 đồng và xác lập đáy mới từ khi công ty niêm yết trên sàn TP HCM vào tháng 4/2017.
Cổ phiếu của Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL) không rơi thẳng đứng, nhưng giá cũng chạm đáy sau một tuần thị trường biến động mạnh. Cổ phiếu này đóng cửa tuần qua tại 6.300 đồng, mất 74% thị giá so với thời điểm lên sàn cách đây hai năm.
PLX và OIL đều tăng trong phiên đầu tuần này, nhưng với mức tăng 1,7% và 3,3%, chưa đủ gỡ lại giá trị đã mất trong tuần qua để bứt khỏi vùng đáy.
Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW) giảm giá ít nhất. Tuy nhiên, nếu không nhờ lực cầu bắt đáy trong buổi chiều cuối tuần thì diễn biến của mã này có thể tệ hơn nhiều. POW có lúc xuống dưới 8.000 đồng, sau đó đảo chiều lên 8.900 đồng nhưng vẫn là vùng giá thấp nhất từ lúc xuất hiện trên bảng điện tử.
Mã cổ phiếu | Mở cửa 9/3 (VND) | Đóng cửa 16/3 (VND) | Chênh lệch (%) |
PLX | 46.250 | 36.800 | -20,4 |
POW | 9.400 | 8.880 | -5,5 |
OIL | 6.900 | 6.200 | -10,1 |
PVD | 11.400 | 9.220 | -19,1 |
GAS | 72.100 | 59.300 | -17,7 |
BSR | 7.700 | 6.900 | -10,3 |
"Mức giá hiện tại có thể không phản ánh nền tảng cơ bản của các cổ phiếu", bà Phạm Lê Mai – Chuyên viên phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT mở đầu cuộc trao đổi với VnExpress về diễn biến của nhóm cổ phiếu dầu khí.
Theo bà Mai, giá cổ phiếu dầu khí đang chịu ảnh hưởng bởi 3 yếu tố gồm giá dầu, sự xuất hiện các ca nhiễm nCoV mới tại Việt Nam và lo ngại dịch tiến triển xấu ở các nước châu Âu, Mỹ ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế toàn cầu. Tình trạng bán tháo vì thế không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở Mỹ và các thị trường trong khu vực.
Trong vòng một tuần, giá dầu thô giảm 23% do dự báo nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ tiếp tục giảm vì các nước hạn chế đi lại. Trong trường hợp Arabia Saudi và Nga quyết liệt nâng sản lượng, giá dầu có thể tạo đáy vào giữa năm, từ đó kéo dài ảnh hưởng đến thị trường trong nước và các cổ phiếu ngành dầu khí.
Đầu năm, nhiều công ty chứng khoán loại trừ yếu tố bất thường để dự báo giá dầu xuống nhẹ so với năm trước và đạt mức 60-62 USD một thùng. Triển vọng các cổ phiếu theo giá này tương đối khả quan, nhưng với mức 36 USD một thùng như hiện nay thì kỳ vọng đang bi quan hơn rất nhiều.
"Kịch bản tiêu cực là giá dầu có thể chạm mốc 20 USD một thùng, sau đó có thể tăng trở lại khi Covid-19 được kiểm soát", bà Mai nói và khuyến nghị nhà đầu tư dài hạn có thể xem đây là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu có nền tảng ổn định, tỷ suất cổ tức cao hoặc được hưởng lợi nếu giá dầu giảm.
Phương Đông