Sáng 6/6, dọc đại lộ Phạm Văn Đồng, từ cầu Bình Lợi đến cầu Gò Dưa, phường Hiệp Bình Chánh, nhiều cây lát hoa 10-12 năm tuổi, cao gần 5 m bị chết khô. Một số cây khác chỉ còn trơ cành, nằm xen kẽ giữa các cây tươi tốt. Thân nhiều cây bị nứt nẻ, bong tróc vỏ.
Cách đó hai km, khoảng 40 cây xanh cao 3 m dọc đường ray trên đường Lương Ngọc Quyến, quận Gò Vấp cũng chết hàng loạt. Hàng cây vàng lá nằm trơ trọi, dù phần cỏ dưới gốc vẫn xanh rì. Lực lượng chức năng sau đó đã đốn hạ hàng cây này, trồng mới bằng các cây chỉ cao khoảng một mét.
Tương tự, hàng chục cây long não dọc đường Trần Văn Giàu, phường Tân Tạo A cũng chết xen kẽ. Nhiều cây bị cháy lá một phần, trông thiếu sức sống.
Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM cho biết do nắng nóng, 47 cây lát hoa trên đường Phạm Văn Đồng đã bị sốc nhiệt, chết khô. Ngoài ra, còn có 8 cây cao 2-3 m đang có dấu hiệu yếu dần được theo dõi, xử lý.
Theo đại diện công ty này, cây lát hoa có tán lá rộng, đẹp, bộ rễ phát triển nhanh, an toàn khi trồng ở đường phố. Tuy nhiên, khả năng chống chịu nhiệt của loài này kém hơn cây bản địa, khi nắng nóng kéo dài cây lát hoa dễ bị mất nước, cháy lá.
Những cây xanh bị chết ở các tuyến đường khác chưa xác định được nguyên nhân. Đơn vị sẽ báo cáo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP HCM) rà soát đốn hạ, trồng cây thay thế.
PGS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp), cho rằng cây xanh bị sốc nhiệt là "hiện tượng lạ". Bởi trong trường hợp nắng nóng kéo dài, cây xanh không được chăm sóc, tưới nước đủ thì sẽ bị khô héo, chết dần.
Theo ông Hà, đợt nắng nóng vừa qua, TP HCM có nhiệt độ cao nhất khoảng 39 độ C là mức nhiệt cây xanh vẫn phát triển tốt. Thậm chí ở Hà Nội có nhiệt độ cao hơn nhưng cây không bị ảnh hưởng. "Cần xem xét thêm yếu tố cây chết có bị tác động bên ngoài hoặc sâu bệnh để tìm phương án khắc phục", ông Hà nói.
Đình Văn