Bộ Giao thông Vận tải vừa có kết luận thanh tra đối với Tổng công ty Cảng Hàng không trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư. Báo cáo cho biết, trong giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, tổng công ty này đã đầu tư xây dựng 85 dự án với tổng mức đầu tư các dự án là hơn 42.100 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước là hơn 1.420 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ hơn 4.200 tỷ, vốn ODA là 12.400 tỷ, vốn ACV là hơn 24.000 tỷ đồng.
Qua thanh tra cho thấy, việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn đầu tư do ACV quản lý còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo số liệu đơn vị báo cáo giai đoạn 2011 – 2016, kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, nên một số dự án giá trị giải ngân lớn hơn nhưng cũng có dự án giải ngân thấp hơn kế hoạch. Riêng dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí vốn đầu tư dự án không đúng theo quyết định đã được phê duyệt.
Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, ACV cũng để xảy ra nhiều tồn tại khi khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án. Cụ thể, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt một số dự còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, thay đổi so với hồ sơ thiết kế cơ sở, bổ sung một số hạng mục dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện… Tình trạng này xảy ra tại dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 – cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, dự án được ACV phê duyệt đầu tư năm 2008 với tổng mức đầu tư là 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2012, quyết định mới được ban hành thì tổng mức đầu tư điều chỉnh là 590 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tuy thiết kế cơ sở tính toán trên cơ sở quy hoạch được duyệt nhưng chưa dự báo đầy đủ lưu lượng hành khách dẫn đến dự báo số lần trùng phục tương lai giá trị thực tế lớn hơn nhiều lần so với giá trị thanh toán thiết kế. Theo ACV, từ tháng 7/2013 đến 7/2016, một đường hạ cánh có tổng số lần trùng phục vào khoảng 62.100 lần, vượt quá số lần trùng phục theo dự báo tính toán là 55.100 lần trong 10 năm.
Về chất lượng những dự án đầu tư, theo cơ quan thanh tra, các tiêu chuẩn thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng chủ yếu tiêu chuẩn Anh, Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình thi công nghiệm thu, chủ đầu tư đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam để phù hợp điều kiện thi công xây lắp. Điều này theo Bộ Giao thông Vận tải là chưa phù hợp, bởi khi đấu thầu đã chọn nhà thầu theo tiểu chuẩn Anh, Mỹ.
Về công tác quy hoạch, cơ quan thanh tra kết luận, ACV chưa dự báo sát tốc độ tăng trưởng lưu lượng hành khách, hàng hóa, dẫn đến một số cảng hàng không bị quá tải, một số chưa đạt công suất theo quy hoạch, các nội dung không còn phù hợp với thực tế khai thác, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ một số cảng để đáp ứng nhu cầu thực tế. Ngoài ra, tuy công tác lập dự án đầu tư theo quy hoạch còn hạn chế nên một số dự án vừa đầu tư xong đã phải nâng cấp mở rộng như dự án kéo dài, nâng cấp đường lăn và sân đậu cảng hàng không Pleiku.
Theo cơ quan thanh tra, hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu, tuy nhiên, có nhiều gói thầu đến khi chấm thầu chỉ còn lại một nhà thầu tham gia hoặc có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu nhưng chỉ có một nhà thầu đạt hồ sơ về đề xuất kỹ thuật, chủ đầu tư vẫn có văn bản xử lý cho phép mở thầu. Cơ quan thanh tra cho rằng như vậy là chưa có sự cạnh tranh về giá.
Ngoài ra kết luận cũng nêu rõ, công tác quy hoạch các cảng hàng không do ACV quản lý chưa dự báo sát tốc độ tăng trưởng lưu lượng hành khách, hàng hoá dẫn đến một số cảng bị quá tải, một số cảng chưa đạt công suất, các nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế khai thác, dẫn đến phải điều chỉnh cục một số cảng, điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Theo Thanh tra Bộ GTVT, các dự án sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh thuộc hạ tầng hàng không, phải thực hiện đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), nhưng ACV lại thực hiện góp vốn đầu tư theo mô hình doanh nghiệp là chưa phù hợp với quy định hiện hành, trái thẩm quyền.
Hiện sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Nội Bài là 4 khu vực hoạt động khai thác có lãi bù lỗ cho đại đa số các cảng hàng không khác. Do đó, theo Bộ Giao thông, việc ACV cho phép nhà đầu tư khai thác sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của ACV, đặc biệt khả năng bù lỗ cho các cảng hàng không khác. Ở nhiều dự án, tổng công ty cũng chậm thu hồi các khoản tiền thanh toán vượt giá trị nghiệm thu. Các nhà thầu và ACV chưa thống nhất phương pháp và số liệu điều chỉnh giá trị hợp đồng mặc dù nhiều dự án đã đưa vào hoạt động 5 năm.
ACV là doanh nghiệp cổ phần, vốn nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ. Vì vậy, theo cơ quan thanh tra, với các dự án ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác có thể dẫn đến thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng công trình. Bên cạnh những kiến nghị về xử lý trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Kế hoạch Đầu tư và ACV... Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng công ty thực hiện xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý tổng số tiền về kinh tế là hơn 117 tỷ đồng.
Nguyễn Hà