Tại toạ đàm chiều 23/12, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc Vietjet đánh giá, chính sách mới của Chính phủ và hướng dẫn Bộ Y tế về mở đường bay quốc tế là "cánh cửa quan trọng", tín hiệu tốt cho ngành hàng không. Tuy nhiên, bà cho biết, các doanh nghiệp vẫn lo lắng vì việc nhà chức trách hỗ trợ, hướng dẫn triển khai tới doanh nghiệp vẫn rất chậm.
Cụ thể, doanh nghiệp đã thấy văn bản, quyết định cho mở lại đường bay quốc tế nhưng các hãng vẫn chưa được cấp phép mở các đường bay. Thậm chí, tần suất chuyến bay để Vietjet Air có thể ra nước ngoài đón kiều bào về nước hay khách du lịch vẫn thấp, dù nhu cầu rất lớn.
"Chúng tôi đang lo lắng và mong muốn các cơ quan quản lý giúp làm rõ các quy trình và tiến độ khi nào hàng không được phục vụ kiều bào Việt Nam về quê ăn Tết, phục vụ khách du lịch đến Việt Nam", bà Bình cho hay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, cũng cho rằng, nhà chức trách cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ doanh nghiệp. Các chính sách cần đồng bộ và liên tục để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Chính sách đưa ra không nên "sáng cái này, chiều cái kia", doanh nghiệp sẽ trở tay không kịp.
Các doanh nghiệp hàng không cũng đề nghị Chính phủ cho phép TP HCM là điểm thứ 6 đón khách du lịch. Thành phố đạt tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi rất cao, 98% và đang triển khai tiêm mũi 3. Đồng thời, Chính phủ sớm cho mở bay thương mại vào tháng 1/2022. "Nếu các quyết định trên đúng như dự định, lượng khách sẽ về rất đông", ông Kỳ đề xuất.
Nóng lòng mở nhiều đường bay và tần suất bay, Vietjet Air đề nghị nhà chức trách khi quyết định mở cửa du lịch thì nên có một kế hoạch bài bản để thích ứng an toàn chứ không nên sử dụng biện pháp dừng đi lại để phòng chống bệnh dịch như đợt dịch vừa qua.
Bà Bình dẫn chứng, Thái Lan lúc đỉnh điểm cả nước có 20.000 ca mắc Covid-19 nhưng du lịch của họ vẫn mở cửa, vận chuyển hàng không và đường bộ hoạt động bình thường. Sau đó, số ca nhiễm tại Thái Lan bắt đầu đi xuống và dần được kiểm soát. Do đó, thay vì đóng cửa thì Việt Nam nên có các biện pháp để thích ứng an toàn.
Ngoài ra, trong môi trường bình thường mới, Chính phủ, doanh nghiệp phải đồng thời áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ để kiểm soát cả đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hay cung cấp các dịch vụ hằng ngày.
"Vietjet Air đã chuẩn bị tất cả kế hoạch cho rất nhiều kịch bản khác nhau từ rất sớm để có thể triển khai ngay lập tức các kế hoạch bay sau khi dịch bệnh được kiểm soát cũng như được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt", bà Nguyễn Thị Thúy Bình nói.
Tương tự, Vietravel cũng đã triển khai lại tất cả hệ thống văn phòng từ Bắc tới Nam, kết nối để chuyển đổi khách giữa các địa phương với nhau.
"Chúng tôi đã mở cửa trở lại 4 văn phòng tại nước ngoài ở Mỹ, Pháp, Australia,Thái Lan, sắp tới là Singapore, để kiều bào đến đăng ký", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói và cho rằng, tháng 11 đã tham gia vận chuyển khách du lịch được 4 chuyến.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ có những điều chỉnh thích ứng hơn với giai đoạn mới. Ông cũng đề nghị TP HCM cần phải nghiên cứu kỹ hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có những quyết định nhanh chóng và kịp thời.
Thi Hà