Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa phát thư mời tới các nhà cung cấp gói thuê ướt 4 tàu bay (gồm máy bay và phi hành đoàn) trong 2-3 tháng. Hãng này muốn thuê tàu từ ngày 1/6 để kịp phục vụ cao điểm hè.
Tương tự, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng có ý định bổ sung tàu bay trong thời gian tới.
Các hãng đang chạy đua tìm kiếm tàu bay trong bối cảnh nguồn lực đội bay suy giảm mạnh từ đầu năm do vấn đề liên quan đến động cơ Pratt & Whitney, cũng như khó khăn của một số doanh nghiệp. Trong đó, hai ông lớn Vietnam Airlines và Vietjet có hơn 40 tàu A321 phải dừng khai thác để kiểm tra, bảo dưỡng động cơ có thể mất cả năm. Đến nay, 22 chiếc đã tháo động cơ, số còn lại sẽ triển khai lần lượt. Bamboo Airways hiện còn 5 máy bay trong biên chế, Pacific Airlines không còn chiếc nào.
Thực tế, cao điểm Tết vừa qua, các hãng từng phải thuê ướt máy bay từ đầu tháng 1. Khi đó, Vietjet bổ sung 6 tàu, Vietnam Airlines 4 tàu, Bamboo Airways 2 tàu.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Vietnam Airlines cho biết việc thuê ướt máy bay sắp tới còn khó hơn cao điểm Tết, bởi dịp này là thời gian thấp điểm của thị trường hàng không châu Âu, Mỹ. Còn mùa hè, hàng không quốc tế cũng bước vào cao điểm nên nhiều hãng cần bổ sung tàu bay, đẩy giá thuê lên cao.
Còn theo đại diện một hãng hàng không tư nhân khác, bộ phận thuê mua đang tích cực tìm kiếm tàu bay thuê ướt khi giá thuê khô "đội" lên rất cao. Tuy nhiên, hãng chưa chốt kế hoạch cụ thể về số lượng tàu, thời điểm thuê bởi thị trường thuê ướt tàu bay đang căng thẳng.
Tại hội nghị hôm 1/4, Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng thông tin các hãng có thể thiếu 24-26 tàu bay để phục hành khách dịp cao điểm hè. Tuy nhiên, theo ông, việc thuê hiện nay không dễ trong bối cảnh thị trường hàng không thế giới thiếu máy bay.
Theo trang chuyên thống kê dữ liệu hàng không thế giới-OAG, cán cân quyền lực đang thay đổi, nghiêng về phía các hãng cho thuê tàu bay nhiều hơn. Thị trường hàng không toàn cầu thiếu máy bay do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài thời gian sửa chữa động cơ của tàu A321, cùng khủng hoảng Boeing liên quan đến vấn đề an toàn.
Giá cho thuê tàu bay mới và 10 năm tuổi đều tăng trong một năm qua. Eddy Pieniazek, người đứng đầu mảng phân tích và tư vấn tại Ishka, nói lượng máy bay hiện có để cho thuê không nhiều, đẩy mặt bằng giá đi lên. "Năm 2023, giá thuê tàu đã lên mức cao nhất lịch sử, trong khi giá năm 2020 thấp kỷ lục", Pieniazek cho hay.
Còn theo Mark Dunnachie tại SVP ACIA Aero Leasing, thị trường cho thuê tàu bay đang rất nhạy cảm về giá. Có thời điểm, ít nhất 4-5 hãng hàng không cùng theo đuổi để thuê 1 tàu bay.
Để tăng năng lực khai thác của hàng không trong nước, trong ngắn hạn, Cục Hàng không và các hãng tính giải pháp rút ngắn thời gian quay đầu giữa hai chuyến bay xuống 30-35 phút (giảm 10-15 phút so với thông thường).
Với Vietnam Airlines, hãng này dự kiến nhận thêm 1 tàu bay thân rộng Boeing 787-10 và có thể đón thêm một chiếc vào cuối tháng 6. Việc này giúp bù đắp một phần thiếu hụt cho đội bay của hãng, vì tàu thân rộng có hơn 360 ghế, gần gấp đôi máy bay thân hẹp A321.
Thiếu tàu bay, mặt bằng giá vé máy bay nội địa vẫn neo ở mức cao. Thị trường hiện rất hiếm dải vé giá rẻ như những năm trước. Chẳng hạn, vé khứ hồi chặng bay Hà Nội - TP HCM tháng 4 thấp nhất khoảng 3,6 triệu đồng, tăng khoảng 15-20% so với cùng kỳ.
Hai tuần cuối tháng này, vé khứ hồi từ Hà Nội đi các địa điểm du lịch nổi tiếng miền Trung, như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang đều trên 4 triệu đồng. Trong khi giai đoạn này mọi năm, giá khứ hồi Hà Nội - Đà Nẵng của các hãng bay giá rẻ chỉ từ hơn 2 triệu đồng.
Anh Tú