Năm 2021, nhiều "ông lớn" hàng không trên thế giới tiếp tục lỗ do đại dịch. Khoản lỗ 931 triệu USD quý 4 năm ngoái khiến American Airlines (Mỹ) lỗ cả năm lên đến 2 tỷ USD. Delta Air Lines (Mỹ) thông báo ngày 13/1 lỗ 408 triệu USD trong 3 tháng cuối năm. International Airlines Group (tập đoàn sở hữu các hãng Bristish Airways của Anh và Iberia của Tây Ban Nha) ước tính khoản lỗ là 2,97 tỷ euro (tương đương 3,3 tỷ USD). Tại châu Á, Japan Airlines dự báo khoản lỗ ròng 146 tỷ Yên (tương đương 1,3 tỷ USD) trong năm tài chính tính đến tháng 3/2022...
Tại Việt Nam, Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ 13.337 tỷ đồng tính cả năm 2021. Con số này giảm 1.300 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 mà hãng đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông.
Trong nhiều lý do, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng chi ra hàng loạt khoản như trả tiền thuê tàu bay, bảo trì bảo dưỡng trong thời gian ngừng bay do giãn cách, đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động, chi phí khấu hao tài sản...
"Phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng là giải pháp trọng tâm giúp Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, dần phục hồi và sẵn sàng nguồn lực phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát," lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Cụ thể, kế hoạch tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm các nhóm giải pháp về đội bay; phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu; tinh gọn bộ máy nhân lực, tái cơ cấu đổi mới quản trị doanh nghiệp...
Hãng cũng xây dựng các kịch bản khác nhau để điều hành sản xuất kinh doanh, phát triển mạng bay và đội bay, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh vận tải hàng hóa để tăng doanh thu, thực hiện tái cơ cấu và cắt giảm chi phí để cải thiện các cân đối tài chính, phục hồi và bứt phá giai đoạn hậu Covid-19.
"Việc phát hành cổ phiếu chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ trong 2021 giúp Vietnam Airlines đã không bị âm vốn chủ sở hữu, bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và bù đắp thâm hụt dòng tiền, hỗ trợ thanh khoản", vị đại diện nói thêm
Ngành hàng không bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi từ cuối năm ngoái nhờ vào chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc cùng với các quy định phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo khai thác an toàn, bảo vệ sức khỏe cho hành khách và phi hành đoàn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa công bố đầu tháng 3, thị trường hàng không sẽ phục hồi hoàn toàn với dự kiến tổng số hành khách sẽ đạt 4 tỷ vào năm 2024, vượt giai đoạn trước khi có dịch. Cơ quan này cũng nhận định, năm nay lượng khách du lịch nội địa sẽ phục hồi khoảng 93% so với năm 2019.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, Chính phủ đã quyết định mở lại các đường bay thương mại quốc tế từ 15/2 để phục hồi giao thương, du lịch và mở cửa du lịch từ 15/3 cũng như việc phòng chống dịch dần được nới lỏng đã tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động vận tải hàng khách quốc tế được thông suốt. Điều này góp phần tăng sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế trong quý 1 vừa qua.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều hãng hàng không trong nước đã liên tục mở thêm đường bay nội địa và quốc tế. Đơn cử, từ 27/3, Vietnam Airlines khai thác 55 đường bay, nhiều hơn 16 đường bay so với năm 2019. Đối với các đường bay quốc tế, hãng đã khôi phục hoàn toàn hoạt động bay thường lệ tới 15 thị trường truyền thống (ngoại trừ Trung Quốc do chính sách mở cửa và Myanmar do bất ổn chính trị).
Hãng cũng dự kiến sẽ mở thêm 3 đường bay mới tới Singapore, 2 đường bay mới tới Ấn Độ từ tháng 4 cũng như khôi phục 80% số đường bay thường lệ từ tháng 7 và tiếp tục nghiên cứu mở thêm đường bay tới Philippines trong thời gian tới.
Phong Vân