Với cương vị là tư lệnh ngành giao thông, Bộ trưởng có lý do để lo lắng cho ngành đường sắt. Phát triển đồng đều các ngành vận tải là điều quan trọng. Nhưng siết hàng không liệu có phải là giải pháp cứu ngành đường sắt?
Ngày còn ở Australia, khi đi từ bang này sang bang khác, tôi luôn sử dụng đường hàng không. Bởi vé máy bay của các hãng giá rẻ tương đối phù hợp (có lẽ chỉ tương đương Việt Nam) và không hề đắt hơn di chuyển đường bộ, hay đường sắt.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi bằng đường bộ giữa các bang. Nhưng rồi một ngày, khi có việc phải di chuyển gấp từ Adelaide đến Canberra, tôi phát hiện ra tuyến này không có hàng không giá rẻ. Giá vé đắt hơn vài trăm AUD so với mức thường đi.
Cuối cùng tôi chọn đi bằng xe khách. Hành trình ấy không hề tiện. Tôi phải di chuyển đến một thành phố khác để bắt một chuyến xe nữa đến Canberra. Nhưng cước phí thì “mềm” hơn đi máy bay rất nhiều.
Trong đầu tôi lúc đấy là một phép tính rất cá nhân. Tôi lựa chọn vài trăm AUD tiết kiệm được, chấp nhận chịu sự thiếu thoải mái và hành trình dài bằng xe khách. Tất nhiên, sẽ có những người dư dả hơn tôi, lựa chọn ngược lại.
Việc lựa chọn hình thức vận tải nào, hay rộng ra là sử dụng loại hình dịch vụ nào là quyền của người tiêu dùng, căn cứ trên các điều kiện về tài chính cũng như nhu cầu khác của bản thân. Đó là những lựa chọn rất cá nhân. Không phải cứ có máy bay là người ta sẽ dùng máy bay.
Thị trường là thước đo chính xác nhất cho mọi loại hình dịch vụ. Ở đó, đơn giản là những sản phẩm thua kém về giá trị sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Không phải chỉ riêng đường sắt mất thị phần vào tay hàng không, mà còn rất nhiều loại hình dịch vụ, sản phẩm cũ cũng đang bị các sản phẩm sinh sau đẻ muộn với nhiều ưu thế hơn lấn át. Ví dụ như dịch vụ xe ôm, taxi so với Grab hay Uber, xổ số truyền thống với Vietlott… Đấy là quy luật bình thường trong kinh doanh. Và để không bị đào thải người ta sẽ phải vận động.
Quay trở lại câu chuyện giữa đường sắt và hàng không. Chắc chắn ngành đường sắt sẽ không bị lép vế đến thế, nếu các toa tàu được làm mới, sạch sẽ, trang bị hiện đại: có điều hòa, có wifi… thay vì hầu hết vẫn sử dụng những toa tầu cũ kỹ, quạt treo trần (cái bật được, cái hỏng) như cách đây vài chục năm. Chắc chắn khách hàng cũng chẳng bỏ rơi ngành đường sắt nếu việc mua vé không khó khăn, chật vật chẳng khác gì thời bao cấp, trong khi phe vé gần như có thể đáp ứng mọi nhu cầu. Và dĩ nhiên ngành đường sắt vẫn sẽ có những ưu thế nhất định, nếu giá vé tàu thực sự cạnh tranh.
Tôi thử làm một so sánh thì vé tàu rẻ nhất từ Hà Nội đi TP HCM trong ngày 8/12 là khoảng gần 600.000 đồng (ghế ngồi cứng), vé đắt nhất là hơn 1,3 triệu đồng (nằm mềm điều hòa). Trong khi vé máy bay rẻ nhất để bay từ Hà Nội vào TP HCM trong ngày 8/12 là 674.000 đồng (đã bao gồm thuế, phí, chỉ chưa có phí thanh toán). Còn trong quãng giá trên dưới một triệu đồng, hành khách có khá nhiều sự lựa chọn về giờ bay. Rõ ràng, đường sắt không hề có lợi thế về giá so với hàng không.
Bộ trưởng nói rằng việc tăng chuyến thoải mái của hàng không dẫn đến hậu quả là các hãng “đối xử với khách không ra gì”. Quả là có thế. Bay máy bay giá rẻ giờ cũng rất phiền. Nhưng mà người tiêu dùng vẫn lựa chọn, chứng tỏ là nó còn... “ra gì” hơn đường sắt.
Nếu lo ngành hàng không phát triển thiếu kiểm soát, có lẽ sẽ tốt hơn nếu chỉ đạo Cục Hàng không đưa ra các quy chuẩn về độ an toàn (ví dụ như phi hành đoàn một ngày chỉ được bay bao nhiêu tiếng), các quy chuẩn về dịch vụ (thời gian hoãn chuyến cho phép là bao nhiêu, số chuyến được phép hoãn trong ngày mà không liên quan đến lý do thời tiết…).
Tương tự, nếu Bộ trưởng thấy thuế phí hàng không quá rẻ tạo ra cạnh tranh thiếu lành mạnh với các loại hình vận tải khác như đường sắt, thì cần tham mưu, đề xuất tạo hành lang pháp lý để giải quyết tận gốc vấn đề ấy, chứ không phải là phần ngọn, đầu ra: siết không cấp thêm chuyến bay.
Lo âu của Bộ trưởng có cơ sở, nhưng nó lại vẫn mang dấu hiệu của sự bảo hộ bằng mệnh lệnh hành chính, phi thị trường. Và làm thế, tôi e rằng đường sắt sẽ mãi chẳng “lớn” nổi, ngay cả khi chúng ta có hy sinh lợi ích của các hãng hàng không cũng như của người tiêu dùng.
Phan Tất Đức