Vé máy bay và khách sạn đang là 2 vấn đề được người hâm mộ bóng đá muốn tới Brazil để thưởng thức World Cup 2014 quan tâm hàng đầu hiện nay. So với vài tháng trước đây, giá các dịch vụ này đã dịu đi phần nào khi thời điểm diễn ra sự kiện đã cận kề (ngày 12/6). Tuy nhiên theo một số chuyên trang du lịch, vé máy bay vẫn ở mức cao, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
World Cup sẽ diễn ra tại 12 thành phố khác nhau ở Brazil, với lộ trình di chuyển khoảng 110.729km, tương đương tổng chiều dài quãng đường giữa các điểm tổ chức ở các kỳ World Cup 1994 (tại Mỹ, 74.718km), 1998 (Pháp, 19.256km) và 2006 (Đức, 20.232km). Hơn một nửa trong số 66 lộ trình di chuyển giữa 12 thành phố trên dài hơn 1.600km.
Đồ họa: Hàng không Brazil quá tải vì World Cup 2014 |
Theo ước tính của giới chức Brazil, trong vòng một tháng sự kiện sẽ có 600.000 du khách quốc tế tới đất nước Nam Mỹ này, cùng với 3 triệu người dân bản địa có nhu cầu di chuyển để theo dõi trận đấu trực tiếp. Nếu xếp mỗi máy bay 250 người thì sẽ kín chỗ trong 14.446 chiếc.
Theo số thông tin từ Honeywell, hãng sản xuất nổi tiếng về công nghệ an toàn hàng không của Mỹ, Brazil có 14 sân bay phục vụ cho World Cup nhưng chỉ 2 trong số này hoạt động đúng công suất, số còn lại đều trong tình trạng quá tải và có 7 phi trường luôn vận thành trên 150% so với thiết kế. Với thực trạng một số sân vẫn còn trong quá trình sửa chữa, cơi nới như hiện nay, các chuyên gia cho rằng người hâm mộ bóng đá hè này sẽ phải sẵn sàng với cảnh trễ chuyến, đổi cổng ra tàu bay vào phút cuối hay những hàng dài người đứng đợi làm thủ tục ở cửa an ninh...
Khi Brazil được chọn làm nước chủ nhà cho World Cup 2014 vào năm 2007, sân bay đã được xem là một vấn đề lớn tại đây. Cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil Ricardo Teixeira khi đó khẳng định Brazil có 3 vấn đề chính phải giải quyết trước khi giải diễn ra là: "Sân bay, sân bay và sân bay". Trước đó, chính phủ nước này đã phải cam kết nâng cấp sân bay, như một điều kiện then chốt để giành quyền đăng cai World Cup. Ước tính kế hoạch sẽ tiêu tốn 2,7 tỷ USD trong tổng tiền 11,5 tỷ USD dành cho sự kiện năm nay.
Hàng không trở thành phương tiện di chuyển quan trọng tại Brazil bởi hệ thống đường bộ và đường sắt không tốt và với khoảng cách giữa các thành phố quá xa, du khách buộc phải chọn cách bay. Tony Tyler, CEO Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế nói: "Chưa có kỳ World Cup nào mà hàng không đóng vai trò sống còn như lần này. 12 thành phố chủ nhà đóng góp tới 75% lượng di chuyển tại Brazil".
Phía Hiệp hội các doanh nghiệp hàng không Brazil (ABEAR) cho biết họ đã sẵn sàng cho mọi tình huống và sẽ tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao.
Khánh Linh