Khi đội trưởng đội tuyển Đức - Philipp Lahm nâng cao chiếc cúp vô địch tại sân Maracana lần thứ 4 trong lịch sử, cả anh và mỗi đồng đội đều đã kiếm thêm hơn 400.000 USD. Tuy nhiên, phần thưởng mà Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) bỏ ra cho các cầu thủ chỉ là cái giá rất nhỏ nếu so với lợi ích mà kinh tế Đức đạt được. Đó là khả năng thu hút người tiêu dùng tới các thương hiệu "Made in Germany", hãng nghiên cứu Prognos cho biết.
"Giá trị của các thương hiệu Đức chắc chắn sẽ tăng sau chiến thắng này. Nó sẽ có ảnh hưởng đáng kể với hàng xuất khẩu", Christian Boellhoff - Giám đốc Prognos cho biết trên Bloomberg.
Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Số hàng bán ra của các công ty, từ ôtô Mercedes-Benz, trang phục thể thao Adidas, máy móc Siemens đã đẩy kim ngạch xuất khẩu của Đức lên 1.090 tỷ euro năm ngoái, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Đức.
Adidas - nhà tài trợ chính thức cho cả đội tuyển Đức và Argentina cũng trở thành "thương hiệu được nhìn thấy nhiều nhất" trong trận chung kết tối qua, CEO hãng này - Herbert Hainer cho biết.
"Về mặt tâm lý, chiến thắng này sẽ có tác động tích cực lên sự tự tin. Dù không thể tính toán chi tiết, nó vẫn có tác động lên cảm hứng làm việc và quá trình tạo ra sản phẩm chất lượng", Boellhoff cho biết.
Trong quá khứ, những lần vô địch World Cup đều trùng với thời kỳ thăng hoa của kinh tế Đức. Năm 1954, Đức vượt qua Hungary, đánh dấu quá trình bắt đầu hồi phục kinh tế và chính trị hậu chiến tranh.
Huy chương vàng năm 1974 đến khi Đức đang tiến vào một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mới. Năm 1975, họ trở thành một trong các quốc gia sáng lập Nhóm nước công nghiệp phát triển G6, sau này mở rộng thành G8 với sự gia nhập của Canada và Nga.
Năm 1990 tại Italy, Đức cũng đánh bại Argentina, 8 tháng sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, thống nhất Đông Đức và Tây Đức. 3 năm sau đó, kinh tế Đức thực sự đã tăng trưởng mạnh nhờ sự kiện này.
Kể cả không có thành công trên lĩnh vực thể thao, kinh tế Đức cũng đang trên đà hướng tới thời kỳ thịnh vượng mới của "thập niên vàng 2020", Boellhoff nhận xét. "Đức là nước duy nhất trong các nền kinh tế lớn châu Âu có nền tảng mạnh thực sự. Việc này có thể cải thiện hơn nữa khi các nước láng giềng bật dậy từ khủng hoảng. Có thể là vài ba năm tới", ông cho biết.
Đức đã tăng trưởng mạnh hơn dự đoán trong quý I, nhờ xây dựng và tiêu dùng bùng nổ. Hồi tháng 6, Ngân hàng trung ương nước này - Bundesbank cũng nâng dự báo tăng trưởng lên 1,9% năm nay và 2% năm 2015.
"Nhiều năm qua, chúng ta đã tăng trưởng chủ yếu nhờ công nghiệp và xuất khẩu. Giờ đây, mọi người đã mở hầu bao, giúp tiêu dùng đóng góp nhiều hơn vào GDP. Việc này sẽ còn tiếp tục đến hết những năm 2020", Boellhoff cho biết.
Hà Thu