Một khách hàng tại Mỹ đặt mua nồi chiên không dầu trên mạng. Sau khi nhận hàng, người đó cảm thấy không thích, có thể gửi trả cửa hàng hoàn toàn miễn phí, không cần giải trình với hãng bán lẻ - là đơn vị trung gian. Bên bán hàng sẽ trả tiền vận chuyển và chịu mất lợi nhuận.
Khi chiếc nồi chiên trở về nơi bán, một nhân viên sẽ mở hộp kiểm tra, thậm chí cắm điện chạy thử để bảo đảm sản phẩm không bị hư hỏng. Điều này tiêu tốn thời gian và tiền bạc của hãng bán lẻ, chưa kể đến việc họ không thể bày bán sản phẩm đã mở hộp bên cạnh những thiết bị còn nguyên đai nguyên kiện nữa.
Tiếp nhận và xử lý hàng trả lại không phải việc đơn giản. Các hãng bán lẻ lớn như Walmart, Target và Amazon bỏ qua quá trình này và nhường chỗ cho những đơn vị khác.
Làn sóng hàng trả lại
"Trái với suy nghĩ thông thường, hàng hoàn trả không được bán lại. Nhiều khách hàng tin rằng sản phẩm được mang bán cho người khác như đồ mới, nhưng điều này không đúng", Palacci, CEO công ty thanh lý hàng hóa 888 Lot tại New Jersey, tiết lộ.
Các sản phẩm được hoàn trả, dù trong tình trạng mới tinh, đều có thể được đưa tới các trung tâm thanh lý, như trung tâm của Palacci.
Palacci chứng kiến số hàng trả lại kỷ lục trong năm nay. Đại dịch khiến nhiều cửa hàng đóng cửa và dẫn tới xu hướng mua sắm trên mạng. Những lời hứa hẹn về hoàn trả miễn phí làm những hãng bán lẻ đối mặt với "đợt sóng thần trả hàng". Sau mùa mua sắm cuối năm 2020, công ty thống kê CBRE ước tính lượng hàng hóa trả lại ở Mỹ có giá trị hơn 70 tỷ USD, tăng 73% so với mức trung bình 5 năm trước đó.
Amazon, Target và Walmart chỉ bán lại một phần sản phẩm hoàn trả. Amazon vận hành chợ Warehouse dành cho hàng đã qua sử dụng hoặc sửa chữa, trong khi Walmart chào bán sản phẩm hoàn trả ở một khu vực riêng trên website.
Tuy nhiên, phần lớn trường hợp đều không có giá trị về mặt kinh tế nên các doanh nghiệp như 888 Lots nhảy vào kiếm lời.
Vùng đất của những đồ chơi không phù hợp
Palacci lướt qua kho hàng với kinh nghiệm của một người thanh lý hàng hóa lâu năm. Nhiều thùng đồ trong kho có nét giống sản phẩm của Amazon Prime, nhưng đây không phải kho của Amazon. Nó giống nơi dành cho những đồ chơi bị loại bỏ.
888 Lots mua sản phẩm hoàn trả từ các nhà bán lẻ với giá chiết khấu, trước khi bắt đầu một quy trình phức tạp.
Hàng hóa bên trong những thùng hàng to như tủ quần áo được đổ vào một đống lớn để các nhân viên phân loại. Họ có thể tìm thấy đồ chơi trẻ em, trang phục người lớn, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thiết bị văn phòng và nhà bếp, cũng như đồ điện tử. Sau khi phân loại, Palacci bán những sản phẩm này cho hơn 10.000 cửa hàng khác nhau, từ các doanh nghiệp nhỏ cho tới những nhãn hàng lớn.
Palacci cho biết tình hình kinh doanh đang đi lên nhờ lượng hàng trả lại tăng đột biến, cho thấy quan hệ chặt chẽ giữa các hãng thanh lý và nhà bán lẻ lớn.
Một ưu điểm khác của mô hình này là hàng hóa đến tay 888 Lots và các công ty thanh lý sẽ được đưa tiếp ra thị trường, thay vì đến bãi rác. "25% số hàng trả lại bị phá hủy. Chúng có thể được tái chế, nhưng thường bị ném đến bãi rác hoặc mang đi đốt", Jason Goldberg, Giám đốc phụ trách chiến lượng thương mại của Publicis, cho hay. "Ngày càng ít hàng hóa bị vứt bỏ vì giữ chúng mang lại nhiều lợi nhuận hơn", Goldberg nói.
Điệp Anh (Theo CNN)