Nhật Bản đang được coi như điểm sáng trong bối khủng hoảng mua sắm hàng xa xỉ toàn cầu của các thương hiệu lớn. Nguyên nhân là nhờ khách Trung đổ xô đến du lịch và không tiếc tiền mua sắm khi tận dụng đồng yen yếu.
A Tuyết, 30 tuổi, nữ du khách Trung Quốc cùng bạn trai lần đầu đến Nhật Bản du lịch vào tháng 8. Cô đã chi 520.000 yen (gần 89 triệu đồng) để mua một chiếc túi và hai phụ kiện từ cửa hàng Gucci ở bách hóa Matsuya, quận Ginza, Tokyo. Trong 7 ngày tại Nhật, họ dành thời gian chủ yếu đi mua sắm thay vì tham quan.
A Tuyết không phải khách Trung Quốc duy nhất đến Nhật chủ yếu để mua sắm. "Nhờ đồng yen giảm nên giá cả rất phải chăng", một nam du khách đồng hương 22 tuổi nói thêm. Người này đến Nhật hồi tháng 6 và chi 300.000 yen (51,3 triệu đồng) để mua chiếc vòng cổ của hãng Bulgari. Cũng sản phẩm này nếu mua tại Trung Quốc, anh phải chi khoảng 368.000 yen (63 triệu đồng).
Nam du khách cho biết thêm những bộ quần áo anh mua khi đến Nhật năm 2018 có giá 80.000 yen, tương đương 5.000 tệ thời điểm đó. Nhưng hiện giờ, giá giảm xuống còn 4.000 tệ (14 triệu đồng).
Hiệu ứng đồng yen giảm giúp kết quả kinh doanh của các tập đoàn bán đồ xa xỉ tăng lên. Trong tháng 7, Burberry báo cáo doanh số bán hàng giảm 23% tại Anh, nơi vốn là thị trường bán chạy nhất của hãng. Doanh số bán tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng, cũng giảm, còn Nhật là thị trường tăng trưởng duy nhất, 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu từ người dân địa phương tại Nhật Bản vẫn yếu, nhưng chi tiêu du lịch mạnh mẽ từ khách châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã thúc đẩy doanh số, theo Burberry.
Điều tương tự tại LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy). Doanh số bán hàng của công ty tiếp tục giảm ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản. Công ty mẹ của Louis Vuitton ở nước này thậm chí chứng kiến mức tăng trưởng hai chữ số và phần lớn nhờ vào lượng khách hàng Trung Quốc.
Theo Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), khoảng 17,8 triệu lượt khách quốc tế đã đến Nhật trong 6 tháng đầu năm. Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc, Mỹ. Chi tiêu của khách quốc tế đến Nhật Bản đạt 2,14 nghìn tỷ yen (gần 362 nghìn tỷ đồng) trong quý II - lập kỷ lục so với các quý trước.
Các cửa hàng bách hóa lớn là nơi hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động mua sắm hàng xa xỉ của khách du lịch. Trong nửa đầu tháng 7, ba cửa hàng thuộc top đầu của tập đoàn Isetan Mitsukoshi Holdings ở Tokyo có doanh số tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Daimaru Matsuzakaya Department Stores, một công ty thuộc tập đoàn J. Front Retailing, đã đạt mức tăng 21,9% về doanh số miễn thuế so với cùng kỳ.
Ngoài các thương hiệu xa xỉ toàn cầu, du khách đến Nhật cũng đổ tiền vào mua các mặt hàng địa phương, đồ lưu niệm đắt tiền, thúc đẩy ngành công nghiệp đồ trang sức, đồng hồ, kính, thuốc và dược phẩm.
Công ty mẹ của Uniqlo là Fast Retailing đang dự trữ các sản phẩm mùa đông, như đồ lót giữ ấm Heattech, dù đang hè nhằm phục vụ nhu cầu của khách quốc tế yêu thích nhãn hàng này.
Các thương hiệu đang tăng cường nhiều biện pháp để nắm bắt nhu cầu từ khách du lịch quốc tế như dùng bảng chỉ dẫn, nhân viên nói nhiều ngoại ngữ. Tuy nhiên, khách đông dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động buộc các chủ kinh doanh phải cải thiện tiền lương cùng các phúc lợi lao động khác cho người lao động.
Anh Minh (Theo Nikkei Asia)