Theo lãnh đạo Cục Hàng không VN, thời gian gần đây, Indochina Airlines gần như ở trong tình trạng ngừng hoạt động - không bay, không giao dịch thương mại, các nhân viên cũng tản đi khắp nơi. "Chúng tôi có muốn tìm cũng không biết phải tìm ở đâu. Mọi công văn giấy tờ vẫn chuyển về văn phòng mà hãng đăng ký làm trụ sở giao dịch còn Indochina Airlines nhận được hay không, chúng tôi cũng không biết. Do vậy, nếu đến tháng 5, hãng không có thêm động tĩnh gì, Cục Hàng không VN buộc phải rút giấy phép kinh doanh", quan chức Cục Hàng không nói với VnExpress.net.
Nhạc sĩ Hà Dũng và giấc mơ bay chưa tròn. Ảnh: V.N. |
Trên thực tế, kể từ thời điểm Indochina Airlines tuyên bố ngừng bay từ tháng 10, Indochina Airlines trượt sâu trong tình trạng nợ nần. Máy bay bị đem trả, nhân viên không được hưởng lương thưởng, đối tác cũng liên tục có văn bản "thúc" nợ. Hiện Indochina Airlines đang nợ nhà cung ứng xăng dầu Vinapco 20 tỷ đồng tiền nhiên liệu. Số tiền mà hãng nợ một số đối tác cung ứng dịch vụ mặt đất, suất ăn... cũng lên tới vài chục tỷ đồng nữa.
Phó cục trưởng Cục Hàng không VN - Lại Xuân Thanh cho VnExpress.net hay ông lấy làm tiếc về chuyện xảy ra với Hãng hàng không Indochina Airlines. Theo ông, nhạc sĩ Hà Dũng có thể làm tốt hơn nếu hãng chuẩn bị kỹ cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật trước khi cất cánh. Bởi lẽ, hàng không dù được coi là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất song cũng là thị trường đầy tiềm năng. Trong năm 2009, bất chấp khủng hoảng, suy thoái, thị trường bay nội địa vẫn tăng trưởng 20%.
Ông Thanh cho hay, ngay từ đầu, Indochina Airlines đã bộc lộ một số điểm hạn chế khi cất cánh trong điều kiện cái gì cũng phải đi thuê, từ máy bay, phi công, tiếp viên cho đến dịch vụ bảo dưỡng, suất ăn, mặt đất... Việc đi thuê như vậy có thể đảm bảo tốt về chất lượng song lại rất tốn kém mà chỉ doanh nghiệp trường vốn mới trụ được. Chính vì thế, nhạc sĩ Hà Dũng dù tâm huyết cũng không tránh khỏi sự đào thải khắc nghiệt của thị trường. "Indochina Airlines chưa tuyên bố phá sản nhưng nhìn vào thực tại họ cũng gần như đã phá sản", ông Thanh nói.
Theo ông, sự thất bại của Indochina Airlines chính là bài học để các hãng hàng không tư nhân khác như Vietjet Air và Merkong Air phải thận trọng hơn khi đặt chân vào thị trường hàng không. Và nếu họ không chuẩn bị trước cơ sở hạ tầng, điều kiện kỹ thuật trước khi cất cánh mà tất cả phải đi thuê thì kịch bản xấu sẽ có nguy cơ xảy ra.
Hồng Anh