Cuối tháng rồi, tôi đi công tác về, vừa đặt ba lô xuống, con gái đã chạy ra tíu tít: "Bố ơi, bà nội mua nồi cơm điện mới. Bà bảo cái nồi cũ có cháy bị bố chê nên bà mua cái nồi này, chỉ 15 phút là cơm chín". Tôi thấy hơi lạ nhưng cũng không hỏi thêm. Tình cờ, cô bé giúp việc kể, lâu nay bà tham gia câu lạc bộ, được cô nhân viên công ty kia gọi là "mẹ", tâm sự gia đình khó khăn, có con tật nguyền,... Ngoài việc hỗ trợ các cụ sử dụng máy cao tần miễn phí, cô mời các cụ mua nhiều sản phẩm khác.
Chiếc nồi cơm điện mẹ tôi mua từ cô nhân viên "tội nghiệp" kia là loại nồi do Trung Quốc sản xuất, giá 1.050.000 đồng. Tôi tra trên mạng thì sản phẩm này được bán 680.000 đồng. Ngoài ra, mẹ tôi còn mua của cô hai gói "Trường sinh bất lão" với giá hơn một triệu đồng. Đây là một gói cây cỏ và vài vị thuốc đông y, được giới thiệu thành phần "100% thảo dược thiên nhiên". Công dụng ghi trên vỏ bao của nó, tôi chưa thấy ở bất kỳ sản phẩm nào: phòng chống ung thư, chữa các bệnh nan y như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, hỗ trợ điều trị các khối u, u não, u xơ tử cung, u xơ tiền liệt tuyến, u dạ dày, u phổi, u thận và một số loại u khác, cân bằng huyết áp, phòng chống suy thận, bệnh dạ dày, đại tràng. Nhiều công dụng thế, song bao bì hoàn toàn không có thông tin về địa chỉ của công ty, giấy phép của sản phẩm và chứng nhận về an toàn vệ sinh.
Tôi cố gắng tìm kiếm trên mạng, không có thông tin chính thức nào về công ty bán sản phẩm, còn công ty sản xuất thảo dược trên thì đã ngừng hoạt động từ năm 2011.
Số tiền 510.000 đồng là giá rất vô lý cho một gói lá cây với những thành phần không rõ nguồn gốc. Mẹ tôi kể cô ấy ngày nào cũng tỷ tê hỏi han với các cụ, đã có rất nhiều "hội viên câu lạc bộ" mua sản phẩm của công ty kia. Tôi tìm hiểu thì biết, công ty đó đang tổ chức nhiều "câu lạc bộ" khác ở các nơi trong thành phố Hà Nội, mỗi câu lạc bộ trung bình có vài chục thành viên tham gia. Tôi còn giật mình vì hiện tượng này đang diễn ra rất phổ biến không chỉ ở thành phố lớn mà còn các tỉnh như Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... ngay trước mắt các cơ quan công quyền. Nhiều câu lạc bộ thuê luôn trụ sở nhà văn hóa, trạm y tế xã, phường để hoạt động. Công thức chung là họ mời người cao tuổi, cựu chiến binh... đi tham gia những chuyến du lịch miễn phí trong ngày và tặng một số thiết bị chăm sóc sức khỏe cơ bản, sau đó khéo léo giới thiệu và bán những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc với giá trên trời.
Dịp cuối năm này, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng lại hoành hành, như mọi năm. Thực ra, không riêng cuối năm, mà nó vẫn diễn ra suốt nhiều năm, với nhiều hình thức. Vấn đề là ở chỗ không phải vì chúng ta thiếu quy định để xử lý vấn đề.
Điều 10, Nghị định 43, ban hành năm 2017 về nhãn hàng hóa đã quy định "các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa", gồm: tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, các nội dung về tính chất của mỗi loại mặt hàng. Điều 8, khoản 2, Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010 còn nêu rõ người tiêu dùng "được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng".
"Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác" là hành vi bị cấm. Bộ Công thương là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Còn ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.
"Bất cân xứng thông tin" là khái niệm được ra đời những năm 1970, đem lại Giải Nobel Kinh tế cho ba tác giả của nó: George Akerlof, Michael Spence và Joseph Stiglitz. Thuật ngữ dùng để mô tả việc các bên tham gia giao dịch không nắm được những thông tin giống nhau về giá trị hoặc chất lượng của hàng hóa được giao dịch. Hệ quả là giá cả thương vụ bị đẩy quá thấp hoặc quá cao. Sự bất cân xứng thông tin gây ra những lựa chọn bất lợi cho một bên, hoặc các rủi ro đạo đức, các hiện tượng lừa đảo. Nó có thể còn là việc tung tin đồn gây hại cho người khác, và cả thông tin giả trên truyền thông.
Những người già nhẹ dạ, trong đó có mẹ tôi, đã ở trong một tình huống tương tự. Nhà sản xuất và phân phối đã phớt lờ các quy định của pháp luật về nhãn mác, thông tin sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng để bán hàng với sự nhập nhèm và bất tuân, cố tình tạo ra sự lầm tưởng của người mua.
Giải pháp chấm dứt việc bất cân xứng thông tin, theo lý thuyết trên, chính là sự bù đắp thông tin thiếu hụt từ các bên bao gồm việc áp đặt các chế tài luật pháp. Nhưng ở đây, việc thực thi chế tài giám sát và quản lý thị trường của ngành Công thương, các nhà quản lý thị trường, cán bộ địa phương, ủy ban nhân các cấp chưa được lấp đầy. Đặc biệt với những nhóm người vốn nhẹ dạ, ít va chạm xã hội, họ luôn thường thực ở thế bất đối xứng thông tin.
Trông chờ một "tháng hành động" đợt cuối năm này?
Đào Quang Minh