Những năm gần đây, cách hiệu quả nhất để tiếp cận lượng lớn người tiêu dùng là thông qua các mạng xã hội. Xu hướng truyền thông này khởi nguồn từ các ngành hàng gia dụng, mỹ phẩm, hiện lan sang cả dược phẩm.
Nền tảng TikTok tràn ngập các video đánh giá thuốc theo toa, với những hashtag như #adhd (rối loạn tăng động giảm chú ý), #ozempic (bút tiểu đường) hay #wegovy (thuỗc hỗ trợ ăn kiêng). Các video đều có từ 200 triệu đến hơn 22 tỷ lượt xem.
Các chuyên gia cảnh báo những chiến dịch truyền thông kiểu này sẽ gây hiểu lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe người dùng. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nghiên cứu Internet Y tế cho thấy nhiều hãng dược đã bỏ tiền thuê những người có tầm ảnh hưởng (KOL hoặc KOC) trên mạng xã hội để đánh giá sản phẩm dưới danh nghĩa ý kiến khách quan, trung thực.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado Boulder đã phân tích dựa trên 26 cuộc phỏng vấn gần đây với những "bệnh nhân KOL". Họ đều được chẩn đoán mắc các bệnh như lupus, đau cơ xơ hóa, Parkinson, hen suyễn, HIV, bệnh celiac, chứng đau nửa đầu mạn tính và tiền mãn kinh. Theo nghiên cứu, những người này "muốn trở thành nguồn đáng tin cậy cho khán giả, không có chủ đích đánh lừa các bệnh nhân khác".
Tuy nhiên, phần lớn (khoảng 69%) trong số đó từng hợp tác với công ty dược phẩm, thông qua các hình thức như phục vụ trong ban cố vấn, đối thoại với bác sĩ, nhà nghiên cứu. Khoảng 15% cho biết họ chia sẻ thông cáo báo chí từ các công ty dược phẩm nếu cho rằng chúng hữu ích, 12% tuyên bố trích dẫn nghiên cứu chuyên khoa giải thích cho các thông tin của họ.
Theo Ủy ban Thương mại Liên bang, nếu được trả tiền để cung cấp thông tin về sản phẩm, những người có tầm ảnh hưởng cần gắn thêm hashtag #quảngcáo hoặc #đượctàitrợ dưới mỗi video của mình. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng có các quy định khắt khe về các phát ngôn liên quan đến thuốc trên mạng xã hội. Dù vậy, các chuyên gia chỉ ra thực tế nhiều KOL né tránh làm điều này, khiến người dùng mạng xã hội và các bệnh nhân không thể phân biệt các bài đánh giá chân thực và những đoạn clip được trả tiền.
"Kiến thức y khoa, sức khỏe và những hiểu biết về nền tảng số của KOL thấp đến đáng lo ngại", Erin Willis, phó giáo sư về quảng cáo, quan hệ công chúng tại Đại học Colorado Boulder, cho biết.
Thực tế, hình thức tiếp thị thuốc trực tiếp đến bệnh nhân (không thông qua bác sĩ) gây tranh cãi từ những năm 1980. Đến nay, với sự phát triển của truyền thông xã hội, chúng khiến các chuyên gia đặc biệt lo lắng, bởi các KOL thường thiếu kiến thức y khoa cơ bản.
Nền tảng mạng xã hội vô tình tạo ra các trào lưu chăm sóc sức khỏe phản khoa học. Gần đây, bút tiêm điều trị tiểu đường Ozempic trở thành cơn sốt sau khi được một số KOL quảng cáo như biện pháp giảm cân nhanh chóng.
Việc sử dụng Ozempic và Wegovy (ngoài đơn) tràn lan gây hiện tượng thiếu hụt, khiến một số bệnh nhân tiểu đường phải chật vật để duy trì sức khỏe. FDA đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này, cho biết cả hai loại thuốc đều không được phê duyệt cho người có nhu cầu giảm béo. Ngoài ra, thuốc có thể gây tác dụng phụ, chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn, dễ gây tăng cân trở lại. Thậm chí, Wegovy có thể gây nghiện, khiến người dùng phụ thuộc cả đời.
Không chỉ các hãng dược lớn, những công ty khởi nghiệp y tế như Done - chuyên điều trị chứng tăng động giảm chú ý, gần đây cũng bị cáo buộc quảng cáo bừa bãi về các loại thuốc của mình.
Tiến sĩ Yamalis Diaz, chuyên gia tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên tại Trường Y khoa Grossman của Đại học New York, cho biết: "Ranh giới giữa quảng cáo và mồi chài thực sự rất mong manh. Nhiều bệnh nhân trẻ tuổi tìm đến phòng khám của tôi đã có sẵn trong đầu một số tên thuốc mà họ muốn dùng".
Thục Linh (Theo NY Post)