Hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc được cho sẽ trở nên khó khăn hơn tại Mỹ sau khi Pfizer đưa ra quyết định trên, CNN đưa tin. Theo đó, thuốc sử dụng trong xử tử sẽ không còn lưu hành trên "thị trường dược phẩm thông thường". Ngoài Pfizer, tất cả hãng dược phẩm Mỹ có sản xuất thuốc dùng cho án tử đều lên tiếng muốn chấm dứt tình trạng này.
"Pfizer sản xuất thuốc chỉ nhằm nâng cao và cứu giúp cuộc sống bệnh nhân", đại diện hãng dược tuyên bố. "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc sử dụng bất cứ loại thuốc nào cho án tử hình bằng thuốc độc. Chúng tôi cam kết các sản phẩm luôn sẵn có cho chuyên gia y tế và bệnh nhân. Công ty cũng sẽ thực hiện chiến lược toàn diện, hạn chế phân phối để chống lại mọi hành vi sử dụng thuốc trái phép trong án tử".
Megan McCracken, chuyên gia về án tử hình tại Đại học California nhận định động thái của Pfizer rất quan trọng. "Pfizer là công ty dược phẩm lớn thứ hai trên thế giới", bà nói. "Đây còn hơn một hình thức quảng bá bởi họ đã giới hạn hệ thống phân phối". Tuy nhiên, McCracken cho rằng rất khó để xác định mức độ ảnh hưởng từ quyết định của Pfizer bởi "không thể biết được những loại thuốc nào đang được sử dụng cho tử tù và giới chức lấy chúng bằng cách nào".
Hiện Texas là nơi tiến hành nhiều án tử nhất nước Mỹ. Phát ngôn viên Sở Tư pháp Texas xác nhận cơ quan này đã nhận được thông báo từ Pfizer nhưng từ chối đưa ra bình luận.
Tại Việt Nam, Nghị định về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thay cho xử bắn được ban hành ngày 1/11/2011. Thuốc tiêm được sử dụng cho thi hành án tử hình gồm gây mê; làm tê liệt hệ thần kinh, cơ bắp và ngừng hoạt động tim. 3 loại tân dược này do Bộ Y tế cấp phép theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Trước khi bị tiêm thuốc độc bằng máy tự động, tử tù được viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng và hưởng tiêu chuẩn ăn uống bằng 5 lần của ngày lễ, tết với người tạm giam. Sau 10 phút mà người bị thi hành án chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo Chủ tịch hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục thực hiện lần 2, lần 3. |
Minh Nguyên