"Việt Nam là thị trường được đầu tư lớn nhất của STADA ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương", đại diện hãng dược Đức Stada cho biết. Được thành lập từ năm 1895, Stada đã sớm có mặt tại Việt Nam từ cách đây 20 năm.
Với kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong những năm tới, hãng dược Đức đang tập trung đẩy mạnh việc sản xuất tại nhà máy sẵn có, đặt mục tiêu sớm vươn tầm khu vực về năng lực sản xuất.
Ngoài ra, Stada còn là cổ đông lớn của CTCP Pymepharco, công ty sản xuất dược phẩm đã đầu tư nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP châu Âu. "Đây là hợp tác chiến lược toàn diện, nhằm giúp Stada hướng đến trở thành nhà sản xuất và kinh doanh dược phẩm đứng đầu thị trường Việt Nam, phát triển thị trường Ðông Nam Á và các khu vực lân cận", đại diện hãng nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, Stada cho biết đã xây dựng chuyên môn và danh mục sản phẩm cung cấp các phương pháp điều trị bệnh tim, cholesterol cao, tiểu đường hoặc các sản phẩm quen thuộc với nhà thuốc và người dùng thuốc như Orlistat trong điều trị béo phì... Bằng cách đưa các thương hiệu đã thành công ở các nơi khác trên thế giới đến Việt Nam, Stada kỳ vọng sẽ mang đến nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, hãng dược dự kiến tiếp tục mở rộng danh mục thuốc gốc kê đơn Stada. Tập đoàn cũng sẽ đầu tư vào cơ sở sản xuất, được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) của châu Âu, như một trung tâm chuỗi cung ứng quan trọng của hãng trên toàn thế giới.
Hãng dược phẩm Stada Arzneimittel AG được thành lập năm 1895 tại Đức, hiện có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới với hàng nghìn nhân viên. Sản phẩm chiến lược là hai dòng thuốc trụ cột generics, dược phẩm đặc trị và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe CHC. Hai dòng sản phẩm này chiếm khoảng một nửa doanh số bán hàng với tổng trị giá 3,01 tỷ EUR (khoảng 83.000 tỷ đồng) năm 2020.
Theo ông Peter Goldschmidt - CEO Stada, đây là thành quả từ những nỗ lực đồng hành cùng ngành y tế thế giới để chống chọi với Covid-19 trong suốt năm qua của toàn thể nhân viên công ty. "Đội ngũ của chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi với hàng trăm đối tác để cung cấp thuốc, truyền đi thông điệp chăm sóc sức khỏe mọi người như một bạn đồng hành đáng tin cậy", ông Peter Goldschmidt nói.
Năm 2020, thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) đã tăng 15% theo tỷ giá cố định lên 713 triệu EUR (khoảng 19.000 tỷ đồng). Đây là thành quả tổng hợp từ các thương vụ mua lại, các chuỗi cung ứng, các hoạt động mua bán, kinh doanh và tiếp thị của Stada.
Trong năm 2020, Stada hoàn tất tổng cộng bảy thương vụ trên thế giới, bao gồm việc mua lại thực phẩm bổ sung, khoáng chất, vitamin của Walmark ở Trung và Đông Âu, danh mục đầu tư từ GSK, các thương hiệu Takeda trước đây ở Nga và CIS. Cùng với đó là hơn 80 giao dịch được cấp phép thành công.
Nhờ chiến lược mua lại thông minh và kết quả kinh doanh tốt trong năm 2020, từ vị trí thứ 9, Stada đã vươn lên top 5 thị trường sản phẩm chăm sóc sức khỏe CHC ở châu Âu, theo số liệu của IQVIA. Đồng thời, hãng ở vị trí thứ 4 trên thị trường thuốc generics của châu lục.
Đánh giá hoạt động kinh doanh trong đại dịch, đại diện Stada cho rằng, năm 2020 mang đến những thách thức đặc biệt cho toàn ngành dược. Tuy nhiên, hãng khẳng định tiếp tục sứ mệnh cung cấp thuốc, áp dụng cách tiếp cận có mục tiêu, bản địa hóa để hỗ trợ các tổ chức chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới.
Hà Thanh (Ảnh: Stada)