Công ty cổ phần Tập đoàn Casper Việt Nam báo lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm gần 467 tỷ đồng trong năm 2022, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 60 tỷ đồng. Trên báo cáo riêng, lợi nhuận cũng giảm mạnh từ hơn 560 tỷ đồng về âm hơn 250 tỷ đồng trong năm ngoái.
Chia sẻ với VnExpress, Casper Việt Nam cho biết lợi nhuận giảm nhưng doanh thu năm ngoái đã tăng 19% so với cùng kỳ lên 5.600 tỷ đồng (chưa tính thuế VAT). Phần lỗ đến từ tổng chi phí hỗ trợ bán hàng tăng 58% lên 1.095 tỷ đồng. Chi phí này hỗ trợ giá, chiết khấu đại lý và kênh phân phối, từ đó giúp giảm giá bán đến tay người tiêu dùng.
"Ban lãnh đạo công ty chủ động hy sinh lợi nhuận, để tăng cường thị phần, giữ ổn định kênh, phục vụ khách hàng tốt hơn", đại diện hãng điện máy đến từ Thái Lan nói.
Lợi nhuận giảm mạnh khiến vốn chủ sở hữu sụt gần phân nửa, về còn hơn 530 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả dâng lên gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, vay ngân hàng (nợ thuần) là 1.200 tỷ đồng. Năm ngoái, doanh nghiệp phát hành một lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng. Lô này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11% một năm, trả 6 tháng một lần. Trong năm ngoái, công ty đã chi hơn 16 tỷ đồng để trả lãi.
Casper là thương hiệu điện máy đến từ Thái Lan. Mới thành lập từ năm 2016, đến nay thương hiệu này công bố đang là nhà cung cấp điện tử - điện lạnh - điện gia dụng từ Đông Nam Á có quy mô lớn nhất. Hãng có mặt tại Việt Nam ngay năm đầu thành lập, hiện có hệ thống phân phối và dịch vụ trực tiếp, gián tiếp hơn 10.000 điểm.
Thời gian đầu, công ty tập trung đánh mạnh thị trường máy điều hòa, có mặt tại các chuỗi bán lẻ điện máy lớn như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Điện Máy Chợ Lớn với chiến lược giá hợp lý thời gian bảo hành lâu, áp dụng nhiều khuyến mãi. Về sau, hãng phân phối thêm nhiều sản phẩm khác như tivi, tủ lạnh, máy giặt. Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường GfK công bố vào tháng 2, Casper đang nắm thị phần lớn thứ ba về máy lạnh (khoảng 16% thị phần, chỉ sau Panasonic và Daikin. Ở mảng tivi, hãng này đứng thứ 5 về sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam.
Kết quả kinh doanh của Casper giảm mạnh tương đồng thực trạng sức mua ảm đạm của ngành điện máy trong năm 2022, nhất là giai đoạn nửa cuối năm. Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm ngoái, Thế Giới Di Động nói các yếu tố vĩ mô đã tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, thu nhập và xu hướng tiêu dùng của người dân. Riêng quý IV/2022, sức mua các mặt hàng điện máy giảm mạnh hơn dự kiến.
Nhóm khách hàng mục tiêu của Casper là người có thu nhập thấp. Trong khi đó, theo Thế Giới Di Động, nhóm khách hàng này đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp.
Cùng phân khúc, một số hãng sản xuất máy điều hòa nội địa vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lớn trong năm ngoái, chủ yếu do mức nền so sánh thấp trong năm 2021. Tập đoàn Nagakawa lãi sau thuế hơn 23,5 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Công ty Điện lạnh Hòa Phát - đơn vị sản xuất điện máy của Tập đoàn Hòa Phát, cũng công bố đạt mục tiêu kép về doanh thu và lợi nhuận với tốc độ tăng trưởng 171% so với năm 2021. Riêng ngành hàng điều hòa tăng trưởng 200%. Kết quả này có sự đóng góp lớn từ thống kênh phân phối được mở rộng lên tới gần 10.000 điểm bán.
Hoạt động kinh doanh máy điều hòa không khí của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) ghi nhận sản lượng và thị phần khả quan với sản lượng tiêu thụ đạt gần 31.800 bộ, tăng 27,5% so với năm ngoái. Công ty tập trung vào quản trị hàng tồn kho và công nợ nhằm cải thiện vốn lưu động và dòng tiền kinh doanh. Hãng này vẫn mạnh mảng máy lạnh công nghiệp, văn phòng hơn dân dụng.
Tất Đạt