Nord Stream 2 AG, công ty vận hành đường ống khí đốt có trụ sở tại Thụy Sĩ, ngày 4/10 thông báo sẽ kiểm tra tình trạng của đường ống bị rò rỉ sau khi cảnh sát hoàn tất điều tra hiện trường vụ án và dỡ phong tỏa khu vực.
Công ty Nord Stream AG, bên điều hành đường ống Nord Stream 1, sau đó cho biết đã được chính quyền Đan Mạch thông báo rằng có thể mất hơn 20 ngày làm việc để nhận giấy phép cần thiết cho hoạt động kiểm tra.
"Giới chức Thụy Điển ban hành lệnh cấm vận chuyển, thả neo, lặn, sử dụng phương tiện dưới nước, lập bản đồ địa vật lý... nhằm phục vụ cuộc điều tra cấp nhà nước xung quanh các điểm xảy ra sự cố ở biển Baltic", thông cáo của Nord Stream AG có đoạn. Hãng này cho biết áp suất trong đường ống Nord Stream 1 ngày 3/9 đã ổn định.
Công ty Nord Stream 2 AG cho biết đang hợp tác với "tất cả cơ quan liên quan". "Cảnh sát Copenhagen đang điều tra hiện trường vụ rò rỉ đường ống Nord Stream 2 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Đan Mạch", hãng này thông báo. "Cảnh sát biển Thụy Điển đã khoanh vùng khu vực xung quanh điểm rò rỉ trong EEZ của nước này".
Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo có thể cung cấp khí đốt qua đường ống cuối cùng còn nguyên vẹn của tuyến Nord Stream 2. Tuy nhiên, đề xuất này có thể bị bác bỏ vì Đức đã đình chỉ dự án Nord Stream 2 vài ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Châu Âu đang điều tra nguyên nhân khiến ba đường ống của hai tuyến Nord Stream bị rò rỉ, nghi do phá hoại song từ chối nêu đích danh bên chịu trách nhiệm. Nga bày tỏ nghi ngờ phương Tây dính líu đến sự cố và cho rằng Mỹ là bên có lợi, trong khi Mỹ phủ nhận liên quan đến vụ rò rỉ.
Hai đường ống Nord Stream gần đây trở thành tâm điểm trong căng thẳng địa chính trị, khi châu Âu tố Nga cắt nguồn cung khí đốt để vũ khí hóa năng lượng, còn Moskva nói rằng các lệnh trừng phạt phương Tây khiến họ không thể đảm bảo nguồn cung.
Sau sự cố rò rỉ trên các tuyến Nord Stream, các quốc gia châu Âu tăng cường an ninh và giám sát quanh hạ tầng quan trọng dễ bị tấn công. Hải quân Anh và Na Uy điều chiến hạm tới canh gác đường ống dẫn khí đốt ở Biển Bắc.
Na Uy còn triển khai binh sĩ tới gác tại các nhà máy xử lý dầu khí lớn trên đất liền, trong khi Italy tăng cường giám sát hệ thống năng lượng và cáp viễn thông dưới biển.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)