Ngoài Pirlo, ai sẽ tỏa sáng cho Italy? |
Trước khi Euro 2012 diễn ra, Italy có hai trận đấu giao hữu với Luxembourg và Nga, hai đối thủ được đánh giá dưới tầm nhà cựu vô địch World Cup. Trận giao hữu với Luxembourg bị hoãn vì động đất. Ba ngày sau trận hòa đó, Italia tiếp tục gây thất vọng khi để Nga vượt qua với tỷ số 0-3. Thua trắng trước một đối thủ không quá mạnh, một dấu hỏi lớn được đặt ra cho các cầu thủ có trọng trách ghi bàn của Italy. Nếu hàng công tiếp tục khủng hoảng, phải chăng là quá viển vông cho các tifosi khi nghĩ về chức vô địch?
Niềm tin có thể tạm thời trở lại với đội bóng màu thiên thanh khi Pirlo hồi xuân ở trận mở màn gặp Tây Ban Nha. Khả năng giữ nhịp cùng những đường chuyền chuẩn xác của anh đã giúp đồng đội trở nên hưng phấn hơn. Và với đẳng cấp của mình, anh còn biết cách tỏa sáng đúng lúc trong pha ghi bàn đầu tiên bằng đường chuyền cho Di Natale mở tỷ số. Tuy vậy, như thế là không đủ để giúp Italy có được chiến thắng.
Sang loạt trận thứ hai, mọi việc tưởng chừng dễ dàng hơn khi Italia nắm thế chủ động trong khoảng thời gian nhập cuộc. Các tiền đạo có nhiều cơ hội sút bóng hơn, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức nguy hiểm. Và một lần nữa, phải nhờ đến Pirlo, các tifosi mới có cơ hội ăn mừng. Một pha đá phạt hoàn hảo, không cho Pletikosa có cơ hội cản phá. Đáng tiếc rằng, Pirlo chơi hay bao nhiêu, thì các cầu thủ khác trên hàng tấn công lại chơi dở bấy nhiêu. Hiệp một, họ còn có thể gây ra áp lực về phía khung thành của Croatia. Nhưng sang hiệp hai, hàng tấn công của Italy gần như mất hút giữa các cầu thủ áo kẻ caro.
Điều gì đến cũng phải đến. Hàng công không thể tạo ra áp lực đủ lớn, ắt hàng thủ phải chịu đựng những đợt tấn công không ngớt của đối thủ. Và bàn thua đến như một lẽ dĩ nhiên. Đáng trách hơn, nó lại đến từ một tình huống mất tập trung của hàng thủ Italy. Tưởng chừng bàn thua sẽ khiến đoàn quân thiên thanh bừng tỉnh, nhưng lúc này mới thực sự bộc lộ rõ sự yếu kém của các cầu thủ trên hàng công. Dường như, ngoài những đường treo bóng vô hại, họ không còn biết phải làm thế nào để phá vỡ bức tường kiên cố. 20 phút cuối trận là một khoảng thời gian đáng kể, nhưng không một cá nhân nào của Italy có thể gây đột biến. Có vẻ họ quá phụ thuộc vào hơi thở từ Pirlo trong khi Croatia thừa hiểu phải khóa chặt tiền vệ 33 tuổi này. Một thùng thuốc súng mất đi ngòi nổ coi như đã mất đi hoàn toàn giá trị. Pirlo im lặng, hàng tấn công Italia cũng im lặng theo.
Đây chính là cái giá mà người Italy phải trả khi quá phụ thuộc vào Pirlo. Một bài học rất cần thiết, nhất là khi Euro mới bước sang lượt trận thứ hai. Hòa trận này, Italy vẫn còn nguyên cơ hội đi tiếp khi chỉ còn gặp đội bóng được đánh giá yếu nhất bảng Ireland. Tuy nhiên, nếu không sớm tìm ra các cá nhân khác san sẻ gánh nặng tấn công cùng Pirlo, thật khó để họ có thể đi sâu.
Đỗ Hùng