20 năm trước, người bệnh từng lên bàn mổ để cắt khối u nằm ở vùng ngực phải và lưng, song vết thương chảy nhiều máu, bác sĩ phải đóng lại. Gần đây, khi bị va nhẹ, khối u này vỡ, máu chảy xối xả. Các bác sĩ địa phương nhét hơn 20 miếng gạc to cầm máu, sau đó băng ép chặt để chuyển Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.
Ngày 18/10, PGS TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ, cho biết người bệnh vào viện khi lơ mơ, nhợt nhạt, sốc mất máu nặng, suy gan, thận. Khối u chiếm hết toàn bộ phần ngực lưng bên phải, căng bóng chỉ dọa vỡ tung ra.
"Khi sờ vào khối u cũng nóng hơn bình thường một đến hai độ, chứng tỏ trong u có sự tăng sinh mạch máu rất lớn. Đó là lý do cứ mở khối u ra là máu chảy không cầm được trong những lần mổ ở tuyến dưới", bác sĩ Hà nói.
Qua khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh u xơ thần kinh. U đã bị vỡ gây tình trạng chảy máu trong, nếu vỡ ra ngoài sẽ ngay lập tức nguy hiểm tính mạng. Nguy hiểm hơn, hình ảnh chụp cho thấy bên trong khối u dày đặc các mạch máu to như ngón tay chạy ngoằn ngoèo. Do tính chất khối u, các mạch máu này không còn khả năng đàn hồi chun giãn, nên khi bị vỡ thì rất khó cầm máu.
PGS Hà đánh giá ca mổ rất khó khăn do u khổng lồ chiếm quá nửa cơ thể của bệnh nhân. Ngoài ra, khối u dày đặc mạch máu đang vỡ và chảy bên máu bên trong, nếu chậm phẫu thuật người bệnh có thể chết vì mất máu hoặc suy gan, thận. Bên cạnh đó, nếu ê kíp cố gắng cắt hết u trong một lần phẫu thuật, người bệnh có thể tử vong trên bàn mổ.
Do đó, ê kíp quyết định mổ theo nhiều giai đoạn. Lần đầu, bác sĩ cắt khối u vùng ngực của bệnh nhân để tạm thời cầm máu, tạo điều kiện để chuyên gia gây mê hồi sức cho toàn trạng người bệnh khá hơn, thoát khỏi suy gan thận. Khi bệnh nhân bình phục sau lần mổ thứ nhất, ê kíp cắt tiếp khối u vùng lưng.
Hàng chục chuyên gia từ các chuyên khoa như huyết học, truyền máu, thận lọc máu, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức,... phối hợp với bác sĩ tạo hình thẩm mỹ thăm khám và đề ra phương án. Đặc biệt, khối u tăng sinh mạch máu rất nhiều, chảy máu dữ dội trong mổ. Do đó, trước mổ, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đã nút bớt các mạch máu. Trong mổ, ê kíp phải dùng đến hai dao siêu âm cực lớn - vốn chỉ được dùng cầm máu trong cắt gan - để vừa mổ, vừa hàn mạch, giảm nguy cơ chảy máu.
Sau 2 lần mổ, mỗi lần từ 6 đến 7 tiếng, các bác sĩ đã cắt được hầu hết khối u vùng lưng và ngực, lấy ra khối u khoảng 23 kg. Tổng lượng máu phải truyền cho bệnh nhân là hơn 5 lít.
Hiện, phần ngực và lưng của bệnh nhân đã trở về gần như bình thường. Các phần vết thương dần liền sẹo.
Lê Nga