Bệnh xuất hiện từ ngày 19/11 khi một con trâu của người dân tại bản Huồi Mũ, xã Huồi Tụ, lăn ra chết. Sau đó bệnh lan rộng tới nhiều bản, đến nay 5 hộ dân ghi nhận 70 con trâu, bò mắc bệnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ông Lỳ Xái Phia, trú xã Huồi Tụ cho biết hôm 19/11 thấy đàn trâu lười ăn, đùi sưng, vài ngày sau thì yếu dần. Vì lần đầu thấy gia súc xuất hiện triệu chứng này nên ông không biết chữa bằng cách nào, báo thú y thì đã muộn.
"Đàn trâu của tôi gồm 9 con, mắc bệnh giống nhau, hiện tại 5 con đã chết, ước tính thiệt hại kinh tế 300 triệu đồng", ông Phia nói.
Cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác định đàn trâu, bò mắc bệnh ung khí thán, khiến sốt cao, giảm ăn, thịt ở bắp đùi thâm, có bọt khí, đi không vững dẫn đến chết. Gia súc nhiễm bệnh do ăn thức ăn và uống nguồn nước chứa vi khuẩn.
Ông Hạ Bá Lỳ, Phó chủ tịch xã Huồi Tụ, cho biết đây là lần đầu xã ghi nhận bệnh ung khí thán trên trâu, bò. Chính quyền khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, khi phát hiện dấu hiệu bệnh cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn để kịp thời điều trị. Việc giết mổ trâu, bò trong thời điểm này cũng bị nghiêm cấm, nhằm tránh phát tán vi khuẩn ra môi trường.
Theo Phó chủ tịch xã Huồi Tụ, trâu, bò mắc bệnh cần tiêm thuốc đặc hiệu 8 tiếng một lần trong 5 ngày. Tuy nhiên, do người dân trên địa bàn thường chăn thả gia súc trong rừng sâu, việc phát hiện và điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn. "Xã đã huy động lực lượng và nguồn hóa chất để tiêu độc, khử trùng chuồng trại có trâu bò chết nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan", ông Lỳ cho hay.
Ung khí thán là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trâu, bò, do trực khuẩn yếm khí Clostridium chauvoei và một số trực khuẩn yếm khí khác gây ra. Gia súc khi nhiễm vi khuẩn bị sưng bắp thịt, có khí. Ở thể cấp tính, bệnh tiến triển trong 2-3 ngày đến một tuần, nếu không được điều trị kịp thời vật nuôi có thể tử vong. Nếu nhiễm bệnh ở thể quá cấp tính, trâu, bò có thể chết sau 3 đến 6 tiếng.