Hôm 10/1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden áp thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào các hãng dầu, tàu dầu, công ty trung gian, nhà buôn và cảng biển Nga. Các hãng dầu lớn như Gazprom Neft và Surgutneftegas, cùng 183 tàu dầu đang chuyên chở dầu Nga đều nằm trong danh sách này. Lệnh trừng phạt có thể khiến dầu Nga xuất khẩu khan hiếm và đắt đỏ hơn. Giá dầu và cước vận chuyển sẽ bị đẩy lên cao.
Theo số liệu của MarineTraffic và LSEG, 5 trong 65 tàu trên neo ở ngoài khơi các cảng biển của Trung Quốc. 7 tàu khác neo ở Singapore. Một số dừng gần Nga, trên biển Baltic hoặc vùng Viễn Đông.
Việc các tàu dầu trên dừng hoạt động càng gây thêm sức ép lên các tàu khác vốn đã chịu những lệnh trừng phạt trước của Mỹ. Một số cảng biển thậm chí hành động trước đó. Giới buôn dầu cho biết từ tuần trước, Shandong Port Group (Trung Quốc) đã cấm các tàu đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ vào cảng của tập đoàn này.
Giới phân tích ước tính khoảng 10% tàu dầu toàn cầu đang bị Mỹ trừng phạt. "Các lệnh trừng phạt này có thể làm lợi cho thị trường tàu dầu, do nguồn cung tàu co lại", Omar Nokta - nhà phân tích tại Jefferies nhận định trên Reuters.
Số tiền trung bình mỗi tàu dầu loại siêu lớn kiếm được tăng 10% so với một ngày trước đó, lên 26.000 USD, theo ước tính của giới phân tích. Một số hãng cho thuê tàu biển tìm cách bảo vệ đội tàu, ngay sau khi lệnh trừng phạt được công bố, khiến nguồn cung có thể càng thắt chặt.
"Nhu cầu xuất khẩu hàng sang Ấn Độ và Trung Quốc tăng sẽ kéo nhu cầu tàu biển không bị trừng phạt lên cao", hãng phân tích dữ liệu thương mại Kpler cảnh báo.
Hà Thu (theo Reuters)