Ngày 10/10, ông Trần Văn Huấn, 44 tuổi, trú thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh chèo thuyền đi dọc các lồng nuôi bên bờ sông Kiến Giang, vớt những con cá chẽm nặng 1-2 kg đang bơi lờ đờ trên mặt nước bỏ vào khoang hoặc rổ nhựa.
"Nước lũ đổ về tràn vào lồng khiến cá bị sốc nước dẫn đến chết. Công sức chăm sóc của vợ chồng thời gian qua mất trắng, vụ này thua lỗ", ông Huấn nói.
Thường ngày, ông Huấn bán cá chẽm giá hơn 100.000 đồng một kg. Nay cá chết hàng loạt, người đàn ông 44 tuổi đem về nấu ăn không hết phải nhờ người thân mua lại, hoặc bán rẻ cho thương lái với giá 25.000 đồng một kg. Đến trưa 10/10, cá nuôi lồng nhà ông chết hơn một tấn, thiệt hại khoảng vài chục triệu đồng.
"Nước dâng quá nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Tuy nhiên, hiện ao hồ làng mạc đều ngập, nếu trước đó có vớt được cá cũng không biết di dời đi đâu để tránh lũ", anh Nguyễn Thanh, chủ lồng cá ở thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh nói và cho hay, đàn cá của gia đình được nuôi từ đầu năm 2020, đến nay con nặng nhất là 2 kg, gần cho thu hoạch.
Toàn xã Duy Ninh có 19 hộ nuôi cá chẽm bằng lồng, theo thống kê ban đầu của chính quyền địa phương, cá chết khoảng 18.000 con, trọng lượng khoảng hàng chục tấn. "Địa bàn đang bị nước lũ bủa vây, khi nước rút chính quyền sẽ cử cán bộ đến lấy mẫu kiểm tra, xác định nguyên nhân", lãnh đạo xã Duy Ninh nói.
Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa to từ ngày 6/10 đến nay đã khiến hơn 100.000 nhà dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng bị ngập; 9 người chết, 11 người mất tích.
Nguyên nhân là tác động của dải hội tụ nhiệt đới nối từ vịnh Bengal đến vùng biển Philippines, vắt qua Trung Bộ. Dải hội tụ này tồn tại nhiều xoáy thấp, một trong số đó phát triển thành bão Linfa.