Reuters đưa tin, vào tháng 9 một nữ y tá tại Bệnh viện Sewri ở Mumbai (Ấn Độ) qua đời do lao kháng thuốc. Cái chết của cô dẫn đến một cuộc điều tra và bệnh viện lao lớn nhất châu Á này bị phát hiện che giấu hàng loạt trường hợp nhân viên tử vong.
Theo thống kê từ Bệnh viện Sewri, từ năm 2011 có 69 nhân viên mắc bệnh lao. Trong đó 12 người qua đời, 28 được chữa khỏi, số còn lại tiếp tục làm việc dù không khỏe mạnh. Những nguồn tin khác cho rằng con số trên không chính xác. "Rất nhiều nhân viên cấp 4 như lao công, tạp vụ ở bệnh viện nghỉ việc sau khi bị nhiễm bệnh", Prakash Devdas, Giám đốc Hiệp hội Người lao động nói. "Chúng tôi không biết họ còn sống hay đã qua đời. Chẳng có ai để ý đến họ. Đó là lý do chúng tôi tin số nhân viên tử vong do lao phải lớn hơn". Cựu giám sát bệnh viện là Mini Khetarpal nhận định: "Có quá nhiều tương tác giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. Nguy cơ nhiễm bệnh của y bác sĩ rất cao, nhất là khi họ có hệ miễn dịch yếu".
Nerges Mistry, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Y học Mumbai được lệnh kiểm tra điều kiện làm việc ở bệnh viện Sewri. Ông phát hiện từ năm 2007 đến năm 2011, có đến 65 nhân viên y tế tử vong nhưng không hề được báo cáo. Nguyên nhân được cho là vệ sinh môi trường kém và thiếu phương tiện bảo hộ. Dù Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị đeo khẩu trang là hình thức cơ bản để tránh lây nhiễm, hầu hết bác sĩ và tất cả y tá tại Sewri đều không làm theo. Theo hai y tá, họ không được khuyến khích đeo khẩu trang một khi đã tiếp xúc với vi khuẩn lao. Trong khuôn viên bệnh viện, có rất ít chỉ dẫn dành cho gia đình bệnh nhân và xuất hiện cả mèo hoang.
60 nhân viên y tế đã gửi thư đến cơ quan chức năng phàn nàn về điều kiện làm việc ở Bệnh viện Sewri nhưng không được trả lời. Một quan chức thuộc Bộ Y tế ở New Delhi là Sunil Khaparde lên tiếng yêu cầu cơ sở này thắt chặt các biện pháp bảo đảm an toàn và đào tạo y bác sĩ bài bản hơn.
Ấn Độ là đất nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới với 2,6 triệu ca. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Sewri có 6 người chết do lao. Nhiều bệnh nhân bị bỏ rơi tại bệnh viện do người nhà sợ lây nhiễm và họ kết thúc cuộc đời trong đau đớn.
Minh Nguyên