Thứ bảy, 7/12/2024
Thứ sáu, 15/11/2024, 20:47 (GMT+7)

Hàng chục nghìn người xem đua ghe ngo lớn nhất miền Tây

Sóc TrăngHàng chục nghìn khách từ các tỉnh miền Tây đổ về TP Sóc Trăng theo dõi giải đua ghe ngo truyền thống lớn nhất khu vực của người Khmer, chiều 15/11.

Giải đua ghe ngo nằm trong chuỗi hoạt động lễ hội Óc Bom Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng năm 2024, diễn ra tại sông Maspero, thành phố Sóc Trăng. Đây là hoạt động được mong chờ nhất trong lễ hội nên thu hút được hàng chục nghìn người dân, du khách từ khắp nơi đổ về.

Với người Khmer, ghe ngo có vị trí quan trọng, được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, hiện thân của tình đoàn kết xóm làng.

Mỗi đội ghe ngo thường đại diện cho một chùa trong khu vực. Các thành viên từ trẻ đến già đều thể hiện sự trân trọng và yêu thích khi được góp sức cho đội ghe của mình. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ tiền để lo cho cả đội ghe ngo từ lúc tập luyện đến ngày thi đấu.

Khoảng 6.000 vận động viên tập trung làm lễ khai mạc, chuẩn bị tranh tài. Đội giải nhất ghe ngo nam sẽ nhận được 200 triệu đồng và nhất ghe ngo nữ là 150 triệu đồng.

Giải đua năm nay có sự tham gia tranh tài của 60 đội (53 đội nam và 7 đội nữ). Trong đó, chủ nhà Sóc Trăng có 48 đội (45 đội nam và 3 đội nữ), các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang có tổng cộng 12 đội (8 đội nam và 4 đội nữ).

Các đội ghe nam tranh tài cự ly 1.200 m. Trong tổng 13 bảng đấu, có 12 bảng 4 đội và một bảng có 5 đội.

7 đội ghe nữ chia làm hai bảng, thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm để chọn đội nhất, nhì của mỗi bảng vào vòng bán kết, chung kết xếp hạng. Các đội nữ tranh tài cự ly 1.000 m.

Sau tiếng còi hiệu xuất phát, các đội tranh tài quyết liệt. Các đội ghe ngo đã thi triển kỹ thuật chèo hấp dẫn và kịch tích ngay từ vòng loại trong tiếng hò reo cổ vũ vang dội của người hâm mộ.

Ghe ngo trước đây là thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây, chủ yếu là cây sao vì loại gỗ này nhẹ, không thấm nước, có độ đàn hồi tốt. Nhưng ngày nay, không còn nhiều cây sao to nên người Khmer dùng những mảnh ván ghép lại để thay thế.

Ghe ngo giống hình con rắn dài 25-30 m. Thân giữa rộng nhất là 1,1 m. Đầu được uốn cong lên như đầu rắn, ở đuôi ghe (hay gọi là sau lái) cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu. Mỗi ghe phải đảm bảo chở 40-60 người ngồi chèo và chỉ huy.

Dòng người đứng kín hàng trăm mét dọc hai bên bờ sông để cổ vũ cho các đội đua. Các khán giả phủ kín khán đài, đứng gần đường đua hoặc bất cứ nơi đâu thuận tiện để xem đua ghe ngo.

Những gia đình gần đường đua ghe đón đông đảo người dân tập trung theo dõi, các tầng cao dễ nhìn đông kín người.

Những năm gần đây, phong trào đua ghe ngo ngày càng phát triển, nhiều xã huyện hỗ trợ kinh phí cho các chùa bồi dưỡng đội đi thi. Điều này tạo sự quan tâm của người dân, cũng là động lực cho các đội thi đấu.

Nhiều thanh niên lội hẳn xuống nước để cổ vũ cho các đội đua.

Sông Maspero là địa điểm quen thuộc với các đội đua của tỉnh Sóc Trăng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các vị sư và bà con tập trung hai bên bờ sông cổ vũ cho các đội đua ghe ngo tranh tài.

Để đáp ứng về cơ sở vật chất và tôn thêm tầm quan trọng của lễ hội Óc Om Boc - Đua ghe ngo, năm 2009 tỉnh Sóc Trăng đầu tư xây dựng đường đua và khán đài phục vụ du khách. Hàng chục tỷ đồng được đầu tư xây bờ kè sông với tổng chiều dài hai bên hơn 11 km bao gồm hệ thống bờ kè, thoát nước, cây xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách xem hội đua ghe ngo.

Ông Sơn Duôl, 74 tuổi, đến từ huyện Thạnh Trị, đi cổ vũ cho đội ghe Buôl Mum. Hai vợ chồng ông bỏ hết công việc nhà để đi hơn 30 km xem đua ghe ngo từ sáng sớm.

"Ghe ngo là hoạt động vui nhất trong lễ hội nên năm nào tôi cũng đi xem", ông nói.

Trên đường đua, đội ghe Tum Núp 2 (áo xanh) bơi nước rút tiến về đích.

Sau hai ngày tranh tài quyết liệt, ở giải nam, đội ghe ngo chùa Tum Núp 2 thuộc huyện Châu Thành giành giải nhất; đội chùa Kosthum, tỉnh Bạc Liêu giành giải nhì và đội chùa Srolon Chén Kiểu, huyện Mỹ Xuyên đoạt giải ba.

Về đội nữ, đội Tum Núp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng sắc giành giải nhất; đội Ô Chum và Kosthum giành giải nhì và ba.

Đông đảo cổ động viên của đội chùa Tum Núp 2 ăn mừng chiến thắng.

Muôn kiểu xem đua ghe ngo của khán giả giải đua lớn nhất miền Tây
 
 

Hàng chục nghìn khán giả theo dõi giải đua ghe lớn nhất miền Tây. Video: Chúc Ly

An Minh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net