Theo ước tính của Ban tổ chức, hơn 700.000 người về đây trong dịp lễ từ 25/5 đến 1/6. Giá dịch vụ đều tăng chóng mặt. Giá phòng tăng gấp đôi, gửi xe máy 8.000 - 10.000 đồng một chiếc, giá heo sữa 350.000 đồng - 500.000 đồng một con. Tuy vậy, hàng đoàn người vẫn kéo về, tấp nập mua bán, cúng bái, mong Bà chứng cho lòng thành, phù hộ làm ăn, tình duyên...
Cũng trong dịp này, trung tâm Sách kỷ lục VN - Vietkings đã trao tặng giấy xác nhận và cúp lưu niệm kỷ lục VN đối với “Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam” và “Tượng bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam” cho Ban quản trị lăng miếu núi Sam.
Dưới đây là hình ảnh tại lễ hội:
Được lập vào năm 1820, kiến trúc theo kiểu chữ "Quốc", miếu Bà Chúa Xứ nằm ở trên núi Sam. Năm 1976, miếu được dời xuống chân núi, bên trong thờ tượng Bà Chúa được tạc bằng đá xanh. |
Mỗi năm hàng triệu người dân ở khắp nơi về dự hội. |
12h đêm qua, nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội đã diễn ra. |
Không chỉ có thanh niên, các cụ già từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng lặn lội hàng trăm km, chen chúc để được cúng lễ. |
Đứng trên đỉnh núi Sam, phóng tầm mắt ra xa, du khách dễ dàng nhìn thấy cánh đồng lúa của Việt Nam và Campuchia mà đường biên giới là con kinh Vĩnh Tế. |
Mỗi ngày người đàn ông này bán gần 2 tạ cùi trái thốt nốt. Người dân Khơ-me thường dùng trái thốt nốt để nấu đường và làm nước giải khát. |
Mắm Châu Đốc là đặc sản nổi tiếng của vùng. Người dân ở đây làm mắm từ các loại cá như: mắm sặt, mắm cá lòng tong, mắm cá mè vinh ... |
Xe lôi là phương tiện chuyên chở du khách trong dịp lễ hội, loại phương tiện phổ biến tại Châu Đốc. |
Xẻ đá để bán nước trên mặt đường, vệ sinh an toàn thực phẩm bị bỏ ngỏ vì quá đông du khách. |
Bài và ảnh Đức Quang