Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết dự án Cộng đồng vì trái tim khỏe triển khai tại 4 quận gồm Gò Vấp, Thủ Đức, quận 8, quận 12 từ tháng 6/2016. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, phát hiện sớm, điều trị và kiểm soát tăng huyết áp ở người trưởng thành tại thành phố.
Sau 3 năm triển khai, hơn 16 nghìn người được chẩn đoán tăng huyết áp và hơn 11 nghìn người được điều trị. Tỷ lệ người biết tình trạng tăng huyết áp từ 46,9% nâng lên 63,6%. Dự án sử dụng phần mềm để quản lý thông tin, theo dõi việc khám và điều trị của người bệnh. Các cộng tác viên cộng đồng đến tận nhà vận động đo huyết áp, theo dõi, chuyển gửi và hỗ trợ, nhắc nhở người bệnh tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống.

Đo huyết áp trong chương trình Cộng đồng vì trái tim khỏe tại TP HCM. Ảnh: Lê Phương.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, nhiều người được sàng lọc tăng huyết áp thông qua các điểm đo huyết áp đặt tại khu dân cư, hộ gia đình, tại các doanh nghiệp nhỏ như quán cà phê, kể cả tiệm cắt tóc và làm móng. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ tăng huyết áp, họ được chuyển gửi đến các cơ sở y tế công và tư để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Cục phó Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết các bệnh không lây như tăng huyết áp và tim mạch đang là gánh nặng bệnh tật lớn với Việt Nam. Chính phủ đã thông qua chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh không lây giai đoạn 2015-2025 với mục tiêu khống chế tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành xuống dưới 30%, giảm tử vong sớm do các bệnh không lây xuống dưới 20% đến năm 2025.
Bà Helen McGuire, Giám đốc toàn cầu Chương trình các bệnh không lây của tổ chức PATH cho biết trong tương lai sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Y tế dự phòng lồng ghép quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường dựa vào cộng đồng, tăng cường hệ thống thông tin y tế quốc gia, giúp hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ thuận tiện, chất lượng với giá cả phù hợp.
Tại Việt Nam, cứ 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp, chiếm khoảng 25% dân số. Tỷ lệ này ở thành thị là 33% và nông thôn là 17%. Trong số người bị tăng huyết áp thì trên 50% không biết bị mắc bệnh, 1/3 người mắc bệnh không được điều trị và hơn 86% tăng huyết áp không được quản lý. Tăng huyết áp là nguyên nhân tử vong cho khoảng 91 nghìn người hàng năm, chiếm 21% tổng số ca tử vong.