Từ 6h, hàng nghìn người dân, học sinh, các đoàn thể, lực lượng vũ trang đã tập trung về Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội) dự lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Rất đông người dân trang nghiêm đứng chờ tiễn đưa nguyên Thủ tướng về nơi an nghỉ cuối cùng tại các tuyến đường đoàn xe linh cữu sẽ đi qua. Giao lộ Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi... có rất đông CSGT, 113, công an địa phương đứng phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự.
Cách đó hơn 50 km, các tuyến đường dẫn vào nhà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại huyện Củ Chi, người dân lập bàn thờ đặt di ảnh tiễn biệt ông. Lực lượng an ninh hướng dẫn mọi người đến viếng lễ tang trong trật tự.
7h30, lễ truy điệu bắt đầu. Đứng hai bên linh cữu là Bí thư thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ở cuối linh cữu là Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Trong bài điếu văn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban tổ chức tang lễ - khẳng định, với hơn 70 năm tham gia hoạt động cách mạng, từ khi mới 14 tuổi hoạt động trong đội cứu quốc xã đến khi giữ cương vị Thủ tướng, cuộc đời ông Sáu Khải luôn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh thống nhất và phát triển đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
"Trên các cương vị, đồng chí luôn trăn trở tìm tòi tâm huyết với sự nghiệp cách mạng dân tộc. Cùng toàn Đảng, toàn dân, thực hiện công cuộc đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng, phát triển kinh tế thị trường, mở rộng quan hệ quốc tế, thu được thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Dù ở cương vị nào nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng thể hiện lòng trung thành, gương mẫu, nêu cao phẩm chất cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Luôn đặt lợi ích của Đảng, đất nước, nhân dân lên trên hết. Nhân cách và con người của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được đồng chí quý mến, bạn bè quốc tế trân trọng.
"Sự ra đi của đồng chí là tổn thất lớn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều dấu ấn trong việc vận dụng đường lối đổi mới của Đảng; là một lãnh đạo có tầm...", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
"Tiễn đưa anh Sáu Khải về cõi vĩnh hằng, chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức phấn đấu tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn, vì một nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh. Hình ảnh cống hiến của anh mãi mãi in đậm trong tâm trí chúng tôi", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ trong bài điếu văn.
Thay mặt gia đình, ông Phan Minh Hoàn, con trai nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà Nước, đồng bào đã chăm sóc, thăm hỏi ân tình tới cha mình trong thời gian ông bị bệnh nặng.
"Biết rằng sinh tử là lẽ tự nhiên, với gia đình mất mát này là nỗi đau vô hạn. Sinh ra nước nhà trong cảnh lầm than, ba tôi trải qua thời thơ ấu thiệt thòi, hôm nay thanh thản về với tổ tiên. Hơn nửa thế kỷ phục vụ nhân dân Tổ quốc, ông đã để lại hình ảnh sâu đậm trong lòng con cháu về người cha có tấm lòng nhân hậu bao la, kiên trì nhẫn nại vượt lên thách thức, tấm lòng vị tha với gia đình con cháu, bạn bè", ông Hoàn chia sẻ.
"Thưa ba kính yêu, con cháu, chắt quặn lòng xót xa đau đớn nhưng rất tự hào về cha ông cố kính yêu của mình. Những lời dạy bảo khích lệ của ba mãi khắc sâu trong tâm trí, dẫn dắt trong cuộc sống của chúng con. Chúng con xin hứa noi gương ba nuôi dạy con cháu. Cầu mong ba siêu thoát trong lòng đất Củ Chi, gặp lại bà nội và mẹ", giọng con trai nguyên Thủ tướng nghèn nghẹn.
Tiếp đó, các đoàn đại biểu lần lượt đi một vòng, đặt tay lên linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lần cuối.
8h, linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu được chuyển ra xe tang đưa về xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, để làm lễ an táng cạnh mộ phần người vợ là bà Nguyễn Thị Sáu.
Hai bên đường, người dân cúi đầu trang nghiêm khi đoàn xe đi qua.
10h, linh cữu nguyên Thủ tướng về đến xã Tân Thông Hội, đưa vào khu vực tổ chức lễ an táng. Tiếp đó, linh cữu ông được đưa vào lòng đất quê hương Củ Chi. Tang quyến và các lãnh đạo bỏ từng nắm đất xuống huyệt mộ như lời tiễn biệt sau cùng.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời lúc 1h30 ngày 17/3 tại quê nhà Củ Chi, hưởng thọ 85 tuổi. Ông được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là lãnh đạo có tinh thần cải cách mạnh mẽ và quyết tâm hội nhập.
Ông cũng là người trình Dự thảo Luật về Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) ký chính thức năm 2001; là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sang thăm Mỹ, gặp Tổng thống Bush năm 2005 mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và Mỹ.
Theo Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, trong năm ngày qua đã có hơn 2.000 đoàn với khoảng 108.000 người đại diện các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo, ngoại giao... đã đến viếng linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trong đó có 231 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế, nhiều lãnh đạo Đảng, các nước đã đến chia buồn cùng nhân dân, gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Nhóm phóng viên