Chủ nhật, 6/10/2024
Chủ nhật, 7/7/2024, 13:45 (GMT+7)

Hàng chục nghìn người dự lễ hội "Vì Hòa bình" bên sông Bến Hải

Quảng TrịĐêm khai mạc lễ hội Vì Hòa bình bên cầu Hiền Lương với các tiết mục tái hiện sự kiện lịch sử bằng công nghệ ánh sáng đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự.

Lễ hội Vì Hòa bình 2024 khai mạc tối 6/7, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với chủ đề "Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình".

Lễ hội diễn ra vào dịp kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Geneve về đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương; kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 còn là hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động về Văn hóa hòa bình; Ngày quốc tế hòa bình và hưởng ứng "Năm của Hòa bình và Niềm tin quốc tế 2025" của Liên Hợp Quốc.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, hoà bình và phát triển luôn là khát vọng tha thiết của toàn thể nhân loại. Tinh thần hoà hiếu, đạo lý "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" đã thấm sâu trong dòng máu của mỗi người dân nước Việt.

Trong bản di chúc để lại trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện khát khao cháy bỏng về một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ giàu mạnh. Đó luôn là ước nguyện của toàn dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhờ có hòa bình, Việt Nam từ một nước nghèo đã vươn lên thành một quốc gia thu nhập trung bình, đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Hơn ai hết, Nhân dân Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hoà bình.

Đêm khai mạc lễ hội Vì Hòa bình đã thu hút hàng chục nghìn người dân ở Quảng Trị đổ về Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải nơi Vĩ tuyến 17 đi qua để theo dõi.

Mở đầu đêm khai mạc là hồi chuông hòa bình được thể hiện qua hiệu ứng công nghệ đồ họa Drone Light trên bầu trời. Sau khi tiếng chuông được gióng lên, đội hình drone biến đổi từ chuông hòa bình thành hình tượng chim bồ câu tung cánh.

Hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ đã cùng nhau tái hiện, sân khấu hóa hành trình dựng nước và bảo vệ đất nước qua các thời kỳ. Từ câu chuyện Thánh Gióng dùng tre đánh thắng giặc cho đến những năm tháng chống Mỹ cứu nước.

Một phân cảnh trong đêm khai mạc, tái hiện hình ảnh vua Lê Thái Tổ dạo quanh hồ Hoàn Kiếm trả lại gươm báu cho rùa vàng.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình gần 80 năm trước được tái hiện trên sân khấu.

Hình ảnh dòng sông Bến Hải trong những năm chia cắt hai miền Nam Bắc xuất hiện, gây xúc động với nhiều người dân Quảng Trị và du khách tham dự.

Các nghệ sĩ tái hiện những chuyến đò chở bộ đội qua dòng sông Bến Hải, sông Thạch Hãn năm xưa.

Người dân thích thú trước màn biểu diễn tạo các hình của 950 Drone Light trên bầu trời của dòng sông Bến Hải.

Đêm nghệ thuật khai mạc lễ hội Vì Hòa bình 2024 đã thu hút hàng chục nghìn người dân đến theo dõi. Tuyến đường Quốc lộ 1A trước Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải nơi Vĩ tuyến 17 chật kín người dân.

Kết thúc đêm khai mạc là màn bắn pháo hoa trên dòng sông Bến Hải.

Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 là lễ hội mở, chỉ có ngày khai mạc với chuỗi hoạt động, không có bế mạc. Nhiều hoạt động phong phú sẽ được tổ chức trong suốt tháng 7 như Đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề "Khúc ca hòa bình"; Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực quốc tế với chủ đề "Hương vị miền hoa nắng"; Triển lãm mỹ thuật họa sĩ Lê Bá Đảng với chủ đề Khát vọng hòa bình; Triển lãm tranh với chủ đề Hồi sinh; Chương trình nghệ thuật chính luận "Vĩ tuyến 17 khát vọng hòa bình"; Hội thảo quốc tế "Bài học về hòa bình nhìn từ thực tiễn Việt Nam"; Chương trình "Ước nguyện hòa bình" với các hoạt động lễ cầu siêu, thả hoa đăng, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Võ Thạnh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net