Gần 5.000 dân thuộc các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân và các xã đảo của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đã được chính quyền địa phương và Hội Chữ thập đỏ đưa đi tránh lũ. Nhiều nhà còn gạo nấu cơm thì gọi lũ trẻ cả xóm “thôi thì mỗi đứa một chén”. “Lúa trên đồng ngập lũ, còn người trên bờ chịu đói” - ông cụ Lê Ngà (Phước Thuận, Tuy Phước) than thở.
Bao trùm lên các làng quê ven biển là hình ảnh xơ xác, tiêu điều sau cơn lũ kinh hoàng cuối tháng 10. Những khuôn mặt thất thần, hoang mang vì nhà bị trôi, lúa trên đồng bị ngập, vì đang đứng trước cái đói, cái rét. Bếp không còn đỏ lửa, hàng trăm đứa trẻ chưa thể cắp sách đến trường.
Nhà anh Nguyễn Ngọc Sơn ở xóm Gò Bao, thôn Đại Ân (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) vừa bị sập đêm 26/10, bây giờ vợ chồng con cái cả thảy 6 miệng ăn đang chạy lũ và trông chờ vào tình thương của hàng xóm. 3 hôm nay, suốt ngày vợ chồng Sơn đội mưa, ngụp lặn ngoài đê và những chân ruộng nước lũ vừa rút, mò tìm từng con cua, ếch. “Để kiếm miếng cơm cho sắp nhỏ mình phải tranh nhau với lũ cò. Sau lũ, cò về đậu trắng đồng, cũng đói rạc như người” - chị Hạnh vợ Sơn nói vui mà hai hàng nước mắt chảy dài.
![]() |
Người dân phía đông huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tự di dời tránh lũ. |
Anh Đỗ Ngọc Mẫn đã đưa vợ và 7 đứa con đến ở tạm trong căn nhà vách đất lợp ngói tồi tàn của người anh. Đứa lớn cao hơn đứa nhỏ một chỏm tóc, cả 7 đứa quần cộc áo lá ngồi co ro trước nồi cháo măng sôi sùng sục. Một rổ rau tập tàng vừa vớt ra rổ, nghi ngút khói, cả 7 cánh tay thò vào tranh nhau bốc, chấm muối ớt rồi nuốt vội không kịp nhai.
Tại các xã Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Tiến, Cát Chánh (huyện Phù Cát) có hơn 400 hộ được di dời ra khỏi vùng ngập lũ. Suốt những ngày qua, hàng trăm con người cứ dõi mắt về làng xóm mình vẫn còn chìm trong biển nước. “Nhà sập, heo gà chết, bây giờ đến cái giường ngủ, cái bàn thờ ông bà cũng không còn nguyên vẹn. Hôm chạy lũ chỉ kịp vơ vội mấy bộ quần áo, bao gạo, bây giờ lũ trẻ không có sách vở đi học”, giọng ông Nguyễn Văn Thượng, thôn Chánh Nhơn (Phù Cát), kể về gia cảnh đầy lo âu.
Cả ba gia đình ông Bùi Du Hương, Huỳnh Hữu Lộc, Trần Thị Hương được bà con trong xóm Đại Ân ven chân núi cho ở nhờ tránh lũ. Dè sẻn từng bát gạo của hàng xóm san sẻ, ngày ngày họ lặn lội ven sông Côn thả lưới, vớt củi mong đổi dăm lon gạo qua ngày. “Bọn tui thành kẻ vô gia cư rồi chú ơi. Bây giờ kiếm miếng ăn hằng ngày đã khó, làm sao tính chuyện cho lũ trẻ tiếp tục đến trường”, ông Hương nghẹn ngào.
Thiếu cơm, thiếu quần áo, thiếu thuốc men, hằng trăm con người chen chúc sống tạm bợ là thực trạng khá phổ biến đối với nhiều làng quê Bình Định hiện nay. Song điều đáng lo ngại là mùa mưa bão còn kéo dài đến hết tháng 11, hàng loạt tuyến đê sông, đê biển vừa bị vỡ, bị sạt lở giờ đang đứng trước nguy cơ bị vỡ toàn tuyến.
Chiều 31/10, trời mưa to. Từ ngoài khơi, những con sóng dữ ào ạt bủa vào bờ biển thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Bên mép biển, nơi hôm qua có những ngôi nhà, bây giờ chỉ còn trơ trọi nền đất đang bị lở lói sau từng cơn sóng. Ông Nguyễn Thanh Đức, hộ dân phải tháo dỡ nhà di dời trong sáng qua, mặt hốc hác khuân mớ rui mè, nói: “Tôi trở về chuyển đống cây ra khu tái định cư chứ sóng vô kéo hết lấy gì làm nhà”.
Khu tái định cư Phổ An khá rộng, nhưng đầy gò đống, mồ mả. Dừng chân trên nền đất mới san lấp, ông Đức nói: “Chiều hôm qua, chính quyền chỉ ngay đất này để tui đóng cái cọc căng mấy tấm bạt. Mới căng, gió biển thổi ào dây nhợ đứt tung hết. Mấy mẹ con nó thấy, bưng mặt khóc”.
Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Hùng nói: “Sóng đánh vào dữ quá nên phải di chuyển ngay 19 hộ gồm 110 nhân khẩu vào bên trong”. Nơi đây không thể căng lều bạt che tạm vì gió mạnh nên xã vận động các hộ về nhà bà con chòm xóm, ở tạm trên sân bóng.
Đưa tay chỉ đống đồ đạc phủ bạt, chị Nguyễn Thị Kinh nói: “Bàn thờ chồng cũng đành chuyển vào đây rồi phủ bạt che, chứ chuyển vào nhà ai được. Nhờ trời, hết mưa bão, may mà nhà còn thì chuyển về”. Chị Phạm Thị Thu Trang cũng dựng ngôi nhà tạm trên sân bóng. Chị nói: “Nhà cửa gì, che tạm vài tấm tôn, ấy mà cứ mỗi lần gió thổi là mưa trút xuống, nước rơi cả vào mâm cơm. Ngủ không yên được”.
2 ngày qua người dân vùng bão Quảng Nam đã mở rộng tấm lòng nhường cơm sẻ áo, đùm bọc nhau lúc khó khăn. Ông Nguyễn Hùng (60 tuổi) nhà ở thôn 1, Tam Hải, huyện Núi Thành nói với cả nhà: “Có bão mưa lũ như ri người ta mới đến nhà mình nhờ vả, chật nhà chớ ai chật tấm lòng”. Hôm mấy chị tay xách nách mang đưa mấy đứa nhỏ ở vùng cửa Lở vào xin trú ngụ, ông Hùng xăng xái đưa từng người vào nhà và nói con gái xuống bếp thổi cơm.
Trong bữa cơm chiều chỉ chén mắm cái (mắm muối từ cá cơm biển) và dưa muối, nhưng mấy đứa nhỏ ngồi ăn ngon lành. Trong khi đó, ông Hùng lo đi trải mấy manh chiếu xuống nền nhà làm nơi tạm qua đêm cho mấy chục con người trong căn phòng rộng khoảng 40 m2. “Bà con nghỉ tạm, nhà chật, mong bà con thông cảm”, ông Hùng nói.
Ông Lê Văn Thành nhà ở thôn 1, xã Quế Lâm, đã mang mấy bộ quần áo đưa 4 đứa cháu nhỏ dò dẫm đến nhà anh Nguyễn Lâm nằm trên ngọn đồi tránh lũ. Anh Lâm kể, mỗi mùa mưa bão là nhà anh mở rộng cửa đón bà con. Vợ anh, chị Tâm, lo dọn dẹp, lôi chồng chiếu cói trên gác xép xuống trải ra nền nhà. Xong chị tất bật xuống nhà dưới nấu cơm cho cả nhà và hàng chục người đến tá túc.
Tại nhà anh Võ Anh, nằm bên triền đồi, bà con nằm la liệt. Căn nhà rộng chừng 100 m2, bây giờ chỉ ưu tiên duy nhất là chỗ nằm. Mọi vật dụng đều được đưa ra ngoài hiên. Chủ nhà bảo: “Đồ đạc ướt thì đem phơi được, chớ bà con thì làm răng”.
(Theo Tuổi Trẻ)