Ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết, ngoài 16 người chết, 3 người mất tích, tỉnh có 2.200 nhà bị sập, trôi, 200 phòng học bị cuốn trôi, 570 ha lúa và 8.000 tấn ngô của người dân bị ngập úng. Quốc lộ 6 đi Hoà Bình, Điện Biên, đường vào thuỷ điện Sơn La đã thông sáng nay. Riêng quốc lộ 37 đoạn Cò Nòi - Gia Phụ phải 10 ngày nữa mới giải tỏa được ách tắc.
Lo nhất là tỉnh lộ 110 từ Mai Sơn đi xã Tà Hộc, nơi có 32 căn nhà bị lũ san bằng, phải mất một tháng nữa mới khắc phục xong. Hàng nghìn hộ dân trong xã đang rất cần cứu trợ khẩn cấp. Sáng nay, lực lượng cứu hộ phải cho xuồng đi dọc sông Đà để tiếp cận với xã này.
Ngoài số tiền hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình có người chết, tỉnh Sơn La đã cấp cho mỗi gia đình bị thiệt hại 10 kg gạo. Toàn tỉnh có trên 200 gia đình bị mất nhà sau đợt mưa lũ, buộc phải tìm nơi ở mới. Tỉnh đã lập ban chỉ đạo để giải quyết việc này.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, ngoài 9 người chết, 23 người bị thương, toàn tỉnh có 1.020 nhà bị sập, ngập nước. Hiện còn 7 xã bị cô lập do ngập lũ và sạt đường. Đáng lo nhất là 7.000 hộ dân với khoảng 35.000 nhân khẩu, chủ yếu ở Sơn Động và Lục Nam, đang thiếu đói do lương thực dự trữ bị lũ cuốn trôi.
Trước mắt tỉnh đã hỗ trợ 9 tỷ đồng cho ba huyện bị thiệt hại nặng là Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, hỗ trợ mỗi nhà sập hoàn toàn 5 triệu đồng, gia đình có một người chết là 3 triệu đồng. Hôm nay, tỉnh cũng đã cấp 70 tấn gạo cho 7.000 hộ dân bị ngập lụt. Số lương thực này không thể đủ cứu đói cho dân nên Chủ tịch Khoa đã đề nghị Chính phủ trợ cấp 1.600 tấn gạo, cùng giống cây, vật nuôi để giúp dân ổn định cuộc sống sau lũ.
Người dân đang tích cực dọn dẹp lại nhà cửa sau mưa bão. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Ông Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến chiều 29/9, tỉnh đã hỗ trợ 25 triệu đồng cho mỗi nhà bị sập, cuốn trôi. Với những hộ bị mất tài sản, có ruộng lúa, hoa màu bị ngập được hỗ trợ 10 kg gạo cho mỗi nhân khẩu trong vòng 3 tháng.
Hiện nay, tỉnh đã bố trí đầy đủ và tiếp tục vận chuyển lương thực, nước uống, sách vở học sinh đến những vùng bị lũ tàn phá để sớm ổn định đời sống người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng lên phương án mua và cung cấp cho mỗi huyện 5-10 xuồng cao su, trang bị lại hệ thống thông tin liên lạc để ứng phó tốt hơn với mưa lũ, tránh tình trạng bị động như vừa qua.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão số 7. Ảnh: NCHMF. |
Trong khi các tỉnh miền Bắc tập trung khắc phục hậu quả bão số 6 thì các tỉnh miền Trung lại phải dồn sức đối phó với cơn bão số 7. Ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện tỉnh vẫn còn hơn 5.500 tàu hoạt động ngoài khơi. Trong đất liền, 4.500 ha lúa hè thu đang chuẩn bị thu hoạch có nguy cơ mất trắng nếu gặp mưa bão. Ông Nhi đề nghị Chính phủ nên kiên quyết với những tàu thuyền cố tình ra biển bất chấp lệnh cấm, không hỗ trợ các chủ tàu này nếu gặp thiệt hại.
Thanh Hóa lo ngại còn hơn 50.000 ha lúa hè thu chưa được thu hoạch. Hà Tĩnh còn 16 xã có nguy cơ phải di dời, 63 xã có nguy cơ bị lũ quét trong khi phương tiện cứu hộ chỉ có 20 tàu công suất thấp, không thể đáp ứng công tác cứu hộ nếu bão từ cấp 7 trở lên. Đại diện Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện nay còn 5 tàu đang gặp nạn trên biển.
Tại buổi giao ban, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông cần trang bị điện thoại vệ tinh cho các tỉnh miền núi để đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành khi có thiên tai, tránh tình trạng đứt liên lạc như vừa qua. Với các địa phương có trường học bị sập đổ, nếu không bổ sung kịp kinh phí thì có thể dùng kinh phí chương trình kiên cố hoá trường học đã được giao cho các tỉnh để hỗ trợ khắc phục.
Phó thủ tướng Nhân cũng yêu cầu ngành giáo dục địa phương phải có phương án cảnh báo, sơ tán học sinh và thiết bị của các trường ven sông suối khi có thiên tai. Các tỉnh thiếu sách vở do mưa lũ cần thông báo ngay cho các Sở Giáo dục, công ty sách, thiết bị trường học để bổ sung, không để học sinh thiếu sách. Trước mắt các tỉnh lấy tiền từ địa phương khắc phục, Chính phủ sẽ bổ sung sau.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các tỉnh khẩn trương tiếp cận những vùng chia cắt làm tốt công tác cứu trợ, hỗ trợ y tế, đồng thời tổng hợp nhanh chóng các trường hợp thiếu đói để Chính phủ có biện pháp hỗ trợ kịp thời. "Cần rà soát cụ thể phương án phòng chống lụt bão đến từng huyện xã, tính toán thời điểm sơ tán, nơi trú ẩn, cử cán bộ chỉ đạo, ém sẵn quân, lương thực thuốc men ở những vùng có nguy cơ cao để giảm thiểu thiệt hại", ông nói.
Đối phó với bão bão số 7 đang lăm le đổ bộ vào miền Trung, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các tỉnh đẩy mạnh công tác phòng chống theo kịch bản đã có. Với vùng biển từ 14 đến 22 vĩ độ Bắc, các tỉnh cần cấm tàu thuyền ra khơi từ sáng 30/9, xử lý nghiêm trường hợp chống đối, không chịu sơ tán.
"Ngoài chống bão, các địa phương phải có kế hoạch chống lũ lụt do lượng mưa dự báo 300-500 mm", ông Hải cảnh báo và yêu cầu địa phương cần đưa lực lượng, lương thực, thuốc men, xe thông tin phát vô tuyến sóng ngắn vào những khu vực có nguy cơ cao trước. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn phải cử cán bộ xuống địa phương triển khai công tác phòng chống.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, đến hôm nay, đã có 41 người chết do hoàn lưu của bão số 6. Trong đó, Sơn La 16, Lạng Sơn 10, Bắc Giang 9, Quảng Ninh 5, Vĩnh Phúc 1 người. Số người mất tích là 5 (Sơn La 3, Lạng Sơn 1, Lào Cai 1). Số người bị thương là 61 người. Thiệt hại về vật chất trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Bắc Giang 506; Sơn La 201; Quảng Ninh 287; Lạng Sơn 36. |
Hồng Khánh